"Siêu cống" Cái Lớn - Cái Bé nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (nối huyện Châu Thành và huyện An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang). Theo đó, công trình này được vận hành thử nghiệm trong 2 năm, sau đó sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức.
Nhiệm vụ của "siêu cống" Cái Lớn và Cái Bé là kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt, lợ) tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha.
Ngoài ra, công trình này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Đồng thời, góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) ở những năm mưa ít; tiêu thoát, giảm ngập úng cho vùng hưởng lợi của hệ thống (Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đặc biệt, công trình này còn kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 (chủ đầu tư) cho biết hiện nay toàn bộ dự án này cơ bản hoàn thành, có thể triển khai vận hành kiểm soát mặn bất cứ khi nào trong thời gian tới để kịp ứng phó xâm nhập mặn khi mùa khô năm 2021-2022 đã bắt đầu.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng), trong đó có hai "siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé nêu trên hiện là cống lớn nhất miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung. Thời gian qua, một số địa phương trong vùng Tây Sông Hậu đã có kiến nghị trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án này để đảm bảo khép kín hơn nữa việc ngăn xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cống Cái Bé đã được hoàn thành trước tiến độ và vận hành từ tháng 2-2021, kịp ứng phó hạn mặn mùa khô năm ngoái - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cống Cái Bé xây dựng trên sông Cái Bé có quy mô 2 cửa van (mỗi cửa rộng 35m) và âu thuyền để khi vận hành đóng van để ngăn mặn thì các phương tiện thủy sẽ lưu thông qua âu thuyền - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cống Cái Lớn bắc qua sông Cái Lớn "khủng" hơn rất nhiều với 11 cửa van (mỗi cửa rộng 40m) và âu thuyền - Ảnh: CHÍ QUỐC
Những cửa van này đều làm bằng thép, mỗi cửa có chiều rộng 40m và cao khoảng 9m, nặng hơn 200 tấn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Do độ mặn chưa cao nên cửa van được mở cho tàu thuyền qua lại. Khi độ mặn lên cao sẽ đóng toàn bộ cửa van, tàu thuyền sẽ phải lưu thông qua âu thuyền (bên phải) theo sự hướng dẫn của cơ quan vận hành cống - Ảnh: CHÍ QUỐC
Các hạng mục chính của "siêu cống" đã hoàn thành và chuẩn bị sẵn sàng cho việc vận hành cống này - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trụ cao nhất của cống có chiều cao 48m tính từ mặt nước, được lắp đài quan sát để phục vụ việc tham quan du lịch sau này. Tại đây, du khách có thể ngắm toàn bộ sông Cái Lớn và khu vực xung quanh - Ảnh: CHÍ QUỐC
Một thang máy với 6 tầng đã được lắp xong để đưa người lên đài quan sát - Ảnh: CHÍ QUỐC
Một khu vực khuôn viên rộng lớn bên cạnh cống Cái Lớn đã được dùng để xây dựng trụ sở vận hành cống cùng với công viên - Ảnh: CHÍ QUỐC
Công nhân đang tất bật lắp những chậu hoa cuối cùng để hoàn thiện công viên này - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bất chấp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, việc thi công "siêu cống" Cái Lớn vẫn được đảm bảo. Việc đưa vào vận hành đúng dịp đầu mùa khô năm 2021-2022 có ý nghĩa rất lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực Tây sông Hậu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong vòng khoảng 1 năm, "siêu cống" này đã được hoàn thành và được phép vận hành - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đây là một điểm "check in" của giới trẻ dù công trình vẫn đang hoàn thiện những hạng mục trang trí cuối cùng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành công trình này còn là một điểm tham quan lý tưởng. Rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến đây chụp hình lưu niệm trong những ngày qua - Ảnh: CHÍ QUỐC
Với tổng vốn đầu tư hơn 3.330 tỉ đồng, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé không chỉ gồm 2 "siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé mà còn nhiều hạng mục khác, trong đó có con đường nối từ đê cống tới quốc lộ 61 dài khoảng 5,7km phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đặc biệt, dự án còn có hợp phần các mô hình sinh kế và hoạt động phi công trình trên địa bàn Kiên Giang, Hậu Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị thực hiện giai đoạn 2 của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để tiếp tục khép kín hơn nữa, bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận