Ngày nay, gỗ trắc đắt đỏ, giá bán tính từng ký. Người Pa Cô ở thôn Prin Thành biết điều đó nhưng họ kiên quyết giữ quần thể gỗ trắc này.
Mùa này, rừng trắc thay lá tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp với những thân cây ứa nhựa vàng cả thân. Vì mọc tự nhiên nên có cây to đủ một người ôm, bộ rễ to lớn trồi lên như một chiếc bàn, cũng có cây còn rất nhỏ.
Già làng Hồ Văn Cơn (83 tuổi) kể rừng trắc này mọc tự nhiên từ hơn nửa thế kỷ trước. Theo thời gian, số lượng gỗ trắc lấn các loại cây khác tạo thành một quần thể khoảng 30 cây, sống quần tụ trên diện tích khoảng 1.000m2.
Theo già Cơn, từng có thời gian rừng trắc này bị nhòm ngó bởi những người buôn gỗ. Họ nói người làng ra giá để mua rừng trắc nhưng người dân vẫn kiên quyết giữ.
"Mình bán sẽ mất đi, giữ lại thì còn mãi. Với người làng, rừng gỗ trắc ấy dù nhỏ nhưng có giá trị tinh thần rất lớn. Giá nào chúng tôi cũng không bán", già Cơn nói.
Một điều thú vị là rừng gỗ trắc quý hiếm này lại ở ngay giữa làng, bên cạnh con đường bê tông rộng lớn nối các bản làng.
Người Pa Cô giữ rừng gỗ trắc
Để giữ rừng, người Pa Cô đã biến nơi này thành rừng ma (nơi chôn cất người làng), trở thành khu đất thiêng của 10 dòng tộc ở làng Prin Thành.
Theo tục lệ, người làng không ai được đụng vào rừng ma. Ai chặt phá sẽ bị xử lý theo lệ làng, phạt heo, dê, trâu, bò và chịu tiếng xấu trước làng.
Sức mạnh của tập tục tạo nên khối đoàn kết, người Pa Cô kiên quyết nói không với việc chặt phá rừng trắc.
Cũng từng có "người lạ" nhòm ngó khu rừng quý giá này nhưng lập tức tiếng chiêng vang lên, cả làng lao ra rừng chặn đứng ý đồ xâm hại cánh rừng này.
Người Pa Cô có ý thức giữ rừng trắc bởi trong tập tục của họ, nếu có người chết được chôn ở rừng ma ấy, người trong 10 dòng tộc có quyền chặt một cây mang về. Nhưng từ trước đến nay, người làng không đụng đến bất kỳ cây nào.
Anh Hồ Văn Chín, trưởng thôn Prin Thành, nói: "Với người Pa Cô, khu rừng trắc này có ý nghĩa truyền đời. Chúng tôi giữ như một niềm tự hào".
Ý thức người dân tạo nên sức mạnh giữ quần thể rừng trắc này xanh tốt theo thời gian. Ông Hoàng Khánh Hòa, phó chủ tịch UBND xã A Dơi, cho biết dù người dân có ý thức tốt nhưng mỗi năm chính quyền vẫn tuyên truyền để bà con luôn nhớ đây là khu rừng quý hơn cả tiền, phải gìn giữ mãi mãi.
"Rất cảm ơn bà con khi rừng trắc vẫn còn ở đó. Mỗi lần chúng tôi đi qua lại làng, nhìn khu rừng đều rất vui. Tôi phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp và đã đi đến nhiều khu vực rừng ở khắp tỉnh Quảng Trị, nhưng chưa thấy quần thể gỗ trắc nào nhiều và có tuổi đời lâu năm như rừng trắc ở làng Prin Thành", ông Hòa nói.
Gỗ trắc còn có tên cẩm lai Nam Bộ.
Gỗ trắc tên khoa học là Dalbergia cochinchinensi, có nguồn gốc từ các nước Đông Dương nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Tại Việt Nam, gỗ trắc phân bố chủ yếu tại các vùng miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị. Đồng thời cũng mọc rải rác tại các khu vực Nam Bộ.
Gỗ trắc là loại gỗ thân lớn, một cây gỗ trắc trưởng thành có đường kính thân cây xấp xỉ 1m và cao tới 25m. Gỗ trắc phát triển rất chậm so với các loại cây gỗ quý khác.
Gỗ trắc thuộc nhóm I, là nhóm gỗ quý nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận