19/10/2024 09:16 GMT+7

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An

Bộ sưu tập nà pha (vỏ chăn của người Thái Nghệ An) ‘có một không hai’, gần như không sưu tập được ở cộng đồng nữa, đang được giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 1.

Triển lãm thu hút đông người xem - Ảnh: T.ĐIỂU

Các tấm nà pha được giới thiệu trong trưng bày Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An, kéo dài tới 17-1-2025.

Đây là bộ sưu tập nà pha mà Công ty thủ công Trúc Lâm đã kỳ công sưu tập từ thập niên 1990 tại vùng người Thái Trắng (nhóm Tày Mường) ở miền tây tỉnh Nghệ An.

190 tấm mặt chăn (nà pha) tại trưng bày, trong đó 101 hiện vật (nà pha) đã được giám định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ngày 14-10-2024.

Bộ sưu tập nà pha quý hiếm còn sót lại

Với niên đại từ 30 - 90 năm, bộ sưu tập này được xem là một trong những di sản đồ vải quý hiếm còn sót lại.

Về độ quý hiếm của bộ sưu tập, TS Vi Văn An - một người Thái Nghệ An, nguyên trưởng phòng nghiên cứu - sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online nói đây là bộ sưu tập "có một không hai", bởi hiện nay không thể sưu tầm được những tấm nà pha này trong cộng đồng.

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 2.

Những tấm nà pha có một không hai hấp dẫn người xem - Ảnh: T.ĐIỂU

Hầu hết các tấm nà pha trong bộ sưu tập có khổ rộng 40cm, được dệt theo kỹ thuật móc (khuýt) hoặc thêu (xéo) bằng sợi tơ tằm nhuộm màu rồi khâu ghép trên nền vải bông.

Các hoa văn trang trí thường được sắp xếp theo chiều ngang, tạo thành dải đối xứng hoặc xen kẽ, với phong cách chủ yếu là tả thực, thể hiện bốn chủ đề chính: động vật, thực vật, đồ vật và các hiện tượng tự nhiên.

Ông An nói nhìn vào những hoa văn cầu kỳ, tinh xảo trên các tấm nà pha trưng bày, có thể thấy sự giàu có của chủ nhân, vì điều kiện khá giả mới có thể làm được.

Nhưng hiện nay không thể mua được những tấm nà pha này trong cộng đồng.

Bởi lẽ hiện nay người Thái ở phía tây Nghệ An, đặc biệt là vùng ven quốc lộ 48, vẫn duy trì việc dệt các tấm chăn thổ cẩm bằng những họa tiết hoa văn này nhưng độ tinh xảo cũng như chất liệu, gam màu không còn như các tấm trưng bày ở đây.

Nà pha xưa được dùng làm vỏ chăn, của hồi môn cho cô dâu làm quà tặng khi về nhà chồng, choàng giữ ấm cho trẻ em về mùa đông, trang trí ngày Tết…

Nhưng ngày nay những nơi còn dệt sản phẩm này thì đều làm theo thẩm mỹ ưa chuộng của người nước ngoài để xuất khẩu.

Cho nên những nà pha theo cách làm và thẩm mỹ truyền thống đã không còn nữa.

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 3.

Trưng bày tôn vinh nghề dệt thổ cẩm của người Thái Nghệ An - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong trưng bày, các tấm nà pha được trang trí nhiều hoa văn động vật trên cạn và dưới nước như hươu, nai, voi, ngựa, chim công, bướm, gà và rồng cạn, rồng nước.

Các hoa văn động vật đều có ý nghĩa biểu tượng riêng.

Như rồng tượng trưng cho sức mạnh, kết hợp cả yếu tố lành và dữ; voi đại diện cho lòng trung thành; hươu, nai và chim công biểu trưng cho vẻ đẹp; còn ngựa tượng trưng cho sự tự do.

Hoa văn hình thực vật cũng có trên các nà pha của trưng bày này.

Đây cũng là loại hoa văn xuất hiện phổ biến trên mặt chăn và chân váy, bao gồm các loài hoa, quả rừng, hạt, cây cỏ, đót dừa, lá cau, rau dớn, rau bợ.

Một số nà pha trong trưng bày:

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 4.

Nà pha trang trí hoa văn rồng - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 5.

Nà pha trang trí hoa văn chim công xòe đuôi - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 6.

Những hoa văn tinh xảo trên nà pha cho thấy đây là đồ của nhà giàu - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 7.

Nà pha không chỉ cho thấy thẩm mỹ của người Thái mà còn cho thấy nhân sinh quan, thế giới quan độc đáo của họ - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngắm những nà pha ‘có một không hai’ của người Thái Nghệ An - Ảnh 1.Lydie Vũ mang trang phục thổ cẩm Tây Bắc đến Hoa hậu Siêu quốc gia

Trong phần thi trang phục quốc gia Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) 2024, đại diện Việt Nam - Lydie Vũ - lựa chọn trang phục thổ cẩm dệt tay với cảm hứng từ vẻ đẹp Tây Bắc.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên