18/01/2014 10:42 GMT+7

Ngậm ngùi với Sông dài của năm 1959

ĐỖ DUY
ĐỖ DUY

TT - Một đời sống rất xưa cũ, một duyên tình ngang trái cũng rất cũ xưa vậy mà vẫn làm ngậm ngùi khán giả của hôm nay. Sông dài của năm 1959 vừa tái ngộ người mộ điệu trên sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) năm 2014.

yZKxlNWi.jpgPhóng to
Tình yêu nên thơ vừa kỳ diệu mà cũng vừa cay đắng của Lượm (Hồng Ánh đóng) và Niễng (Quý Bình) trong vở Sông dài - Ảnh: Thành Hội

1 Niễng ngâm: “Sông dài cá lội biệt tăm”, còn Lượm thì nhất nhất phải là “sông dài con cá lội biệt tăm”. Cô lý giải “hễ có chữ con là thương. Vì mỗi lần tía kêu con Lượm đâu ra ăn mít là tía thương. Còn hôm nào tía giận thì tía nói mày không có ở nhà hả Lượm...”.

Niễng và Lượm - hai “con cá lội” trong tình yêu - một mù lòa và một dị dạng trên thân thể. Và hơn cả ý nghĩa của tình yêu ấy, Lượm hay Niễng đều là những cái tên của số phận, gắn liền với khiếm khuyết, nỗi buồn trong đời mà mỗi người đang mang. Chọn cách sống nào giữa những khiếm khuyết ấy là một câu trả lời không dễ... Lượm hồn nhiên, yêu đời; Niễng mang đầy sự mặc cảm, hoang mang... Tưởng “họ sinh ra để dành cho nhau”, để bù đắp cho nhau nhưng hóa ra không hẳn vậy. Tình yêu nên thơ này vừa kỳ diệu mà cũng vừa cay đắng, và dự cảm bất an đã đến gần khi Lượm được trời thương cho sáng mắt...

2 Cuộc tái ngộ của Sông dài với khán giả mộ điệu lần này được sự hưởng ứng khá bất ngờ, bởi ít ai nghĩ câu chuyện của năm 1959 ấy vẫn có thể sống động và cảm động đến vậy giữa thời đại này.

Không mang gánh nặng là “đàn em” của những phiên bản đi trước, Sông dài 2014 giữ nguyên câu chuyện (so với kịch bản được dựng năm 2001), nhưng xây dựng đường dây mới, bồi đắp chi tiết giàu hơn, làm chặt chẽ hơn cho số phận nhân vật và mối liên hệ ân oán giữa bốn nhân vật Niễng - Lượm - Hai Sa - Hai Tất.

Năm cảnh của Sông dài lần này đều là năm cảnh rất dài, đòi hỏi việc nuôi tâm lý và khả năng biểu diễn rất giỏi của diễn viên từ chính đến phụ. Các vai diễn tuy có số phận không đổi nhưng ít nhiều mang cá tính, tình cảm của những “người mới”. Tiêu biểu nhất là với Lượm của Hồng Ánh, ngộ nghĩnh, hồn nhiên so với Lượm ngọt ngào, nhu mì của Thanh Thủy trước kia. Quý Bình với lối diễn thiên về cảm xúc, dù chưa giỏi kỹ thuật nhưng cũng tìm riêng được cho mình một Niễng khác so với Niễng đã rất thành công của Thành Lộc và Khánh Hoàng. Hai Tất với sự cố gắng của diễn viên trẻ như Quang Thảo hay Hai Sa trong lối diễn điềm đạm nhưng sắc sảo của Ái Như đều là những vai hay, mới mẻ...

3 Ở thời điểm 2014, điều thú vị nhất của Sông dài có lẽ là việc khán giả có thể trải nghiệm lại không khí thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước. Đó là thời của những thùng đạn đại liên hãy còn là gia tài quý giá, để cất giữ những thứ quan trọng của một người nghèo; là thời của phụ nữ với áo dài cổ thuyền Trần Lệ Xuân, tóc vấn cao; thời của giọng ca Giao Linh trĩu nặng, đầy mê hoặc với “thôi rồi còn chi đâu em ơi, có còn lại chăng dư âm thôi...”. Và trên radio mỗi chiều sau giờ xổ số, người ta còn có thể nghe những câu hát hồ hởi “Kiến thiết quốc gia/giúp đồng bào ta/xây đắp muôn người/làm nên cửa nhà”...

Bài hát Xổ số kiến thiết quen thuộc với người Sài Gòn một thời qua giọng ca Trần Văn Trạch đã được sử dụng như một bản tình ca, một biểu tượng tình cảm trong câu chuyện tình yêu của Lượm và Niễng, làm người xem thấy vừa cảm động, vừa có thêm góc nhìn, hình dung về tình yêu của người nghèo ngày xưa. Cũng bằng việc dùng thêm rất nhiều câu hò, ru, điệu lý, phương ngữ, thói quen sinh hoạt ở nông thôn/thành thị xưa vào đúng những đoạn diễn hay, làm vở diễn thêm sinh động, cho một hình dung chân thật và cảm động về tình cảm, đời sống của Nam bộ một thời.

Sức sống qua nửa thế kỷ

Kịch Sông dài - tác giả: Hà Triều Hoa Phượng, biên tập: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội - có sự tham gia của các diễn viên: Ái Như, Hồng Ánh, Quý Bình, Quang Thảo, Ngọc Tưởng, Lương Duyên, Guillaume Faugere... được công diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh vào Tết Nguyên đán 2014.

Đây là một trong số những kịch bản có đời sống dày dặn và đa dạng nhất trên sân khấu Nam bộ. Xuất phát từ cải lương vào những năm 1959, vở được hơn 20 đoàn cải lương dàn dựng lại. Năm 1990, lần đầu Sông dài được chuyển thể thành kịch nói do Mai Trần - Thương Tín dựng tại Nhà hát Kịch thành phố. Năm 2001, Hoàng Thái Thanh biên tập lại kịch bản, đạo diễn Ái Như dựng trên sân khấu IDECAF. Đến năm 2008, cải lương Sông dài diễn lại tại Sân khấu Vàng. Năm 2013 vở được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập.

Các nhân vật Lượm, Niễng, Hai Tất, Hai Sa của vở gần như đã quen thuộc với khán giả, đều được đóng dấu bởi những tên tuổi lớn của hai sân khấu kịch và cải lương: NSND Út Trà Ôn, Hữu Phước, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Thành Hội, NSƯT Thành Lộc, Khánh Hoàng, Thanh Thủy, Tú Trinh...

ĐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên