Ông Nguyễn Khắc Pho - giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo - cho biết những năm đầu mới thành lập, cán bộ, nhân viên của vườn đối mặt với thiếu thốn đủ thứ, từ điện, nước đến thông tin liên lạc, phương tiện đi lại giữa đảo chính Côn Sơn với các đảo nhỏ.
Nhưng bằng nghị lực, ý chí và với tình yêu biển đảo quê hương, yêu thiên nhiên, các thế hệ người lao động của vườn đã bám trụ, chung tay xây dựng vườn. Nhờ đó mà đến nay, sinh cảnh, loài và các hệ sinh thái tự nhiên rừng, biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo được bảo tồn gần như nguyên vẹn; không xảy ra cháy rừng.
"Hiện nay độ phủ các hệ sinh thái chính như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn đã phục hồi gần như nguyên trạng, kéo theo sự phục hồi, phát triển của các quần thể sinh vật biển, trong đó có nhiều loài quý, hiếm như rùa biển, dugong (bò biển), cá heo, các loài trai tai tượng… và nhiều loài khác", ông Pho thông tin.
Rùa biển là một trong những loài đặc hữu, quý hiếm ở Côn Đảo. Từ 1993 - 2022 có gần 12.700 lượt rùa mẹ lên các bãi đẻ gần 37.000 tổ trứng. Nhân viên của vườn đã bảo vệ trứng, ấp nở và thả về biển gần 2,5 triệu rùa con. Số lượng rùa mẹ về đẻ trứng giai đoạn 2010 - 2022 tăng gần gấp 2 lần so với giai đoạn 1993 - 2009...
Nhiều động vật quý hiếm ở Côn Đảo
Vườn quốc gia Côn Đảo nằm trọn trên địa giới hành chính của huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng diện tích gần 20.000 ha, trong đó hợp phần bảo tồn rừng gần 6.000 ha, hợp phần bảo tồn biển 14.000 ha. Ngoài ra, còn có vùng đệm biển 20.500 ha.
Vườn quốc gia Côn Đảo đã trở thành một khu đất ngập nước quan trọng của thế giới (khu Ramsar) và một vườn di sản thiên nhiên của khối ASEAN.
Vườn hiện có 1.077 loài thực vật rừng bậc cao có mạch, trong đó có 44 loài được phát hiện lần đầu ở Côn Đảo; 160 loài động vật rừng hoang dã được phát hiện, trong đó có 8 loài quý hiếm, 2 loài được đặt tên Côn Sơn; 1.725 loài sinh vật biển, có 7 loài sinh vật biển rất nguy cấp, 67 loài nguy cấp và sẽ nguy cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận