Trước đó, ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - đã ký quyết định cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập tại TP.HCM vào ngày 21-6-2023 cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng sau ngày khánh thành có gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Đặng Thị Kim Chi - kiểm kê bảo quản tại bảo tàng - cho biết công việc chuẩn bị lễ khánh thành hoàn thành được 70%.
Đầu việc khác còn dang dở là trang trí không gian, khôi phục hình ảnh một số trận đánh của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Dự kiến hoàn thành trưng bày, phục dựng di tích trước ngày 23-8.
Theo ông Nguyễn Quốc Độ - phó chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, sau ngày khánh thành, bảo tàng sẽ mở cửa cho tất cả du khách.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đón khách từ 7h30 đến 17h hằng ngày. Tuy nhiên, ban quản lý bảo tàng sẽ sắp xếp thời gian linh hoạt khi có yêu cầu tham quan từ trước.
"Vì là bảo tàng mở nên không nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Miễn du khách có nhu cầu lúc nào sẽ được phục vụ lúc đó.
Mức giá sẽ được công bố sau ngày khánh thành, nhưng không quá lớn, tầm vài chục nghìn cho một vé", ông Độ nói.
Bên cạnh đó, học sinh sinh viên đến tìm hiểu bảo tàng có chính sách ưu đãi riêng.
Ông Trần Vũ Bình - con trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỉ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán dinh Độc Lập) - cho biết rất xúc động khi bảo tàng sắp được khánh thành.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông nói: "Tôi xúc động vì đây là bảo tàng hình thái của một lực lượng, nó không phải là bảo tàng nghệ thuật. Bảo tàng gắn với di tích. Mỗi di tích là một hiện vật lớn của bảo tàng, trên thế giới rất hiếm mô hình như vậy".
Lưu giữ ký ức về Biệt động Sài Gòn
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định chịu sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương nơi hoạt động và thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.
Căn nhà của bảo tàng được giữ nguyên kiến trúc xây dựng từ 1963, nay đã tròn 60 năm tuổi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nó đã trở thành nơi thực hiện các nhiệm vụ công tác bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu…
Tại đây có bảy bộ sưu tập hiện vật lịch sử quý giá gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Bao gồm bộ sưu tập hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân, chứa thư từ, tài liệu, tiền vàng; Bộ sưu tập vũ khí; Bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ; Bộ sưu tập dụng cụ phục vụ sản xuất bàn ghế, màn rèm, đồ nội thất cho dinh Độc Lập của nhà thầu khoán Trần Văn Lai...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận