Những bức tranh thêu chỉ vàng kim tuyến trong hoàng cung triều Nguyễn đầu thế kỷ 20 thu hút người xem - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong 2 ngày cuối tuần 26 và 27-3, Hội Sưu tập cổ vật cung đình Huế tổ chức trưng bày khoảng 200 cổ vật hoàng cung thuộc sở hữu của 19 nhà sưu tập tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, mở cửa miễn phí cho công chúng. Triển lãm có tên Cổ vật hoàng cung Việt Nam, lần đầu được Hội Sưu tập cổ vật cung đình Huế tổ chức.
Các nhà sưu tập có chung niềm yêu thích cổ vật hoàng cung, đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Long An. Trong đó, nhà sưu tập Phạm Văn Nhân ở Hải Dương đóng góp nhiều hiện vật nhất với 36 hiện vật, sau đó là nhà sưu tập Thanh Ngọc ở Hà Nội với 35 hiện vật.
Bộ hiện vật chủ yếu là đồ sứ men lam rất đẹp, tinh xảo vốn là đồ dùng trong cung đình nhà Nguyễn.
Theo nhà sưu tập Thanh Ngọc, những đồ sứ ngự dụng này được đặt hàng từ lò gốm Cảnh Đức trấn (Trung Quốc). Đây là lò gốm thường làm đồ sứ ngự dụng cho các hoàng cung, có nhiều thợ giỏi và đặc biệt là có nguồn cao lanh quý phù hợp làm đồ sứ cao cấp.
Ngoài ra triển lãm còn giới thiệu nhiều bức tranh thêu chỉ vàng kim tuyến đầu thế kỷ 20 dưới thời vua Khải Định và Bảo Đại, do nghệ nhân cung đình Huế thêu như: Long hóa chữ tâm (hay còn gọi Long tâm, thời Khải Định), Long đứng (thời Bảo Đại), Lân mã công bát quái (thời Khải Định), Cửu Long (thời Bảo Đại)…
Đây đều là những bức tranh quý thuộc sưu tập của nhà sưu tập Thanh Ngọc.
Triển lãm còn giới thiệu một số bộ cổ phục trong hoàng cung triều Nguyễn. Trong đó đáng chú ý là chiếc Mãng Lan - áo mặc của tòng chánh nhất phẩm (quan võ) dự lễ ngoài trời khi duyệt binh hoặc tịch điền, triều vua Khải Định.
Đặc biệt là chiếc áo Nhật Bình của công chúa Mỹ Lương, thường được gọi là Bà chúa nhất - trưởng nữ của vua Dục Đức.
Bộ sưu tập đồ gốm cung đình Huế của nhà sưu tập Nguyễn Thanh Huy ở Hải Phòng - Ảnh: T.ĐIỂU
Tuy những đồ sứ này được triều Nguyễn đặt hàng tại lò gốm Cảnh Đức trấn bên Trung Quốc nhưng đều dành vẽ cảnh trí non nước Việt, những sinh hoạt của người Việt, những câu thơ Việt đặc sắc.
Đó là những câu thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, cảnh chùa Thánh Duyên núi Thúy Vân, cảnh Liễu ngạn đồng du ở Bắc Giang, biển Cửa Tùng, chùa Thiên Mụ ở Huế…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận