26/09/2009 06:24 GMT+7

"Ngắc ngoải" tiếng Anh chuyên ngành

T.GIANG - A LỘC
T.GIANG - A LỘC

TT - Là một khối kiến thức quan trọng nhưng thực trạng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành ở các trường ĐH thật sự đáng báo động. Cả trường, giảng viên lẫn sinh viên đều không chú trọng, thậm chí có trường còn bỏ hẳn môn tiếng Anh chuyên ngành.

“Ngắc ngoải” tiếng Anh chuyên ngành

TT - Là một khối kiến thức quan trọng nhưng thực trạng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành ở các trường ĐH thật sự đáng báo động. Cả trường, giảng viên lẫn sinh viên đều không chú trọng, thậm chí có trường còn bỏ hẳn môn tiếng Anh chuyên ngành.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363741
Một buổi học tiếng Anh của SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Một ngày đầu năm học, chúng tôi đến lớp học tiếng Anh chuyên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong buổi học, rất nhiều sinh viên ngủ gục trên bàn, một số khác làm việc riêng. Sinh viên Lê Tuấn Anh, đang học tại đây, tâm sự: “Các bạn ở đây chủ yếu học để thi cho qua chứ ít người quan tâm lắm, do giáo trình là Oxford for computing, kiến thức đã cũ lại ít cập nhật”.

Vướng nhiều thứ

Vì sao không hiệu quả?

Thời lượng môn tiếng Anh chuyên ngành theo quy định trong các chương trình khung trình độ đại học đã được Bộ GD-ĐT ban hành là 10 đơn vị học trình (tương đương 150 tiết lý thuyết). Trả lời cho câu hỏi vì sao việc dạy và học tiếng Anh chưa thật sự hiệu quả, khảo sát trên 160 sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy có đến 38% sinh viên cho rằng do giáo trình không sát với thực tế, 27% do giảng viên, 19% do thiếu chuẩn thống nhất trong đào tạo, 16% do phương tiện học tập thiếu.

Nhưng đó chưa hẳn là lý do chính khiến nhiều sinh viên không mấy mặn mà với môn học rất thiết thân cho công việc tương lai của họ. Phan Huy Hoàng, sinh viên năm 3 khoa sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), thừa nhận: “Nếu không giải mã được những thông số bằng tiếng Anh trên máy xét nghiệm chỉ còn cách bó tay. Nhưng yêu cầu cao quá trong khi giáo trình thì ít, không theo sát đặc thù môn học, thành ra kiến thức mình thu được quá ít”.

Trong khi đó Đoàn Văn Dũng, sinh viên năm 4 khoa tâm lý Trường ĐH Văn Hiến, tâm sự: “Việc thi rớt tiếng Anh chuyên ngành là chuyện thường xuyên xảy ra. Bọn mình chỉ tìm cách làm sao cốt thi đậu là được”.

Khảo sát ở nhiều lớp học tiếng Anh chuyên ngành, chúng tôi nhận thấy một thực tế là trình độ tiếng Anh của sinh viên không đồng đều, thậm chí có chênh lệch khá lớn. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho biết thường trong một lớp học sẽ bao gồm các trình độ từ sơ cấp. Những lớp học đa trình độ như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho giảng viên khiến họ khó có thể quán xuyến hết tất cả sinh viên, từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học ngoại ngữ”.

Tuy nhiên, một thực tế khác không thể phủ nhận xuất phát từ chính giảng viên. Đa số giảng viên tiếng Anh đều là giảng viên chuyên ngữ, đơn thuần dạy tiếng Anh. Chính vì thế khả năng am hiểu những thuật ngữ, từ ngữ thuộc về lớp từ vựng nghề nghiệp nhiều khi chưa đến ngọn ngành, thậm chí chỉ là biết. Một giảng viên khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) thừa nhận: “Nhiều giảng viên tiếng Anh khi được giao lớp, do không phải là giảng viên tiếng Anh chuyên ngành nên phải chạy đôn chạy đáo hỏi các chuyên gia trong ngành để cố gắng tạo được bài giảng “giống” chuyên ngành nhất”.

Băn khoăn theo tiếp hay dừng?

Ngay cả việc áp dụng chuẩn nào để đào tạo khối kiến thức này cũng thật sự đang bị “tắc”. Thạc sĩ Lê Thị Hiền Hoa, phó trưởng bộ môn ngoại ngữ Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM), cho rằng tiếng Anh chuyên ngành không đơn thuần chỉ là môn ngoại ngữ. Để đạt chuẩn trong đào tạo tiếng Anh chuyên ngành là điều không thể. Mục tiêu chính của dạy và học tiếng Anh chuyên ngành vẫn là khả năng ngoại ngữ của sinh viên. Nhưng để đạt được hiệu quả đó rất cần một giáo trình thật sự đạt chuẩn, phù hợp với sinh viên, phù hợp với xã hội”.

Trước những hạn chế nói trên, một số trường căn cứ vào tình hình thực tế đã áp dụng chuẩn TOEIC hay TOEFL vào đào tạo, thay cho tiếng Anh chuyên ngành của sinh viên. Điển hình là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, từ khóa 34 (năm học 2008 - 2012) trở về sau, trường chuyển sang dùng quy định chuẩn TOEIC để đánh giá trình độ tiếng Anh đối với sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy. Một số trường ĐH khác hầu như đã bỏ tiếng Anh chuyên ngành trong chương trình đào tạo của mình. Trong đó, tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) sinh viên chỉ cần nộp chứng chỉ B tiếng Anh là có thể tốt nghiệp.

Việc bỏ hay tiếp tục đào tạo tiếng Anh chuyên ngành đang khiến nhiều trường ĐH loay hoay tìm cách giải. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM, cho rằng: “Việc áp dụng một chuẩn cụ thể nào trong đào tạo tiếng Anh chuyên ngành là điều không nên. Để giải quyết một cách triệt để, vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội, của sinh viên, của nhà trường, một yêu cầu cần đặt ra đối với những người làm quản lý tại các trường ĐH cốt phải làm sao nắm bắt được yêu cầu của xã hội, yêu cầu đối với ngành nghề sinh viên đang học”.

T.GIANG - A LỘC

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

* Quả thật vấn đề dạy tiếng Anh chuyên ngành ở các trường đại học Việt Nam hiện nay là đáng báo động. Chuyện học chiếu lệ, đối phó, qua loa là có thật. Hậu quả là nhiều bạn trẻ khi ra trường chẳng thể sử dụng được ngoại ngữ cho những công việc cần thiết của nghề nghiệp.

Một chuyện có thật xảy ra mà tôi từng chứng kiến là: anh cảnh sát giao thông chặn xe của một người nước ngoài để xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật an toàn giao thông, nhưng anh cảnh sát nói, người nước ngoài... lắc đầu (vờ không hiểu). Còn người ngoài sau đó khua tay, múa chân và nói một tràng bằng tiếng nước ngoài khiến anh cảnh sát giao thông ngơ ngác. Vậy là anh cảnh sát đưa tay ra hiệu cho người vi phạm kia đi.

Nhiều giảng viên ở các trường đại học cũng không hơn gì. Cứ gặp người nước ngoài đến làm việc thì y như gà mắc tóc, không giao tiếp được. Thử tìm hiểu nguyên nhân? Thật ra nguyên nhân là do nhiều thứ, cả chú quan lẫn khách quan.

Nhà nước cần có chính sách tốt để giúp cho việc học ngoại ngữ được cải thiện. Riêng về tiếng Anh chuyên ngành, cách hay nhất là đưa giáo viên chuyên Anh ngữ đi đào tạo ngắn hoặc trung hạn về chuyên ngành ở nước ngoài có dùng tiếng Anh; hoặc cho đi học nâng cao, học tại chức hoặc chính qui ở cấp đại học về các chuyên ngành mà mình sẽ giảng dạy trong môn tiếng Anh.

Tạm thời, có thể chi viện nguồn giảng viên đã từng đi học nước ngoài về sang giảng Anh văn chuyên ngành. Cách này cũng không phải là tốt, vì cũng giống như chúng ta ai cũng biết tiếng Việt giỏi, nhưng không hẳn là đều có thể dạy tốt môn tiếng Việt cho người khác. Giảng viên loại này có thể truyền đạt một số kỹ năng, kinh nghiệm học tiếng Anh mà thôi.

L.M.H.

* Thú thật là môn anh văn chuyên ngành của trường tôi, học cũng được mà không học cũng chằng sao. Cứ đến năm cuối chỉ cần có bằng B Anh văn nộp vào là coi như qua hết. Tệ lắm thì cũng bằng A của chính trường thuộc khối Đại học quốc gia là được. Thực sự tôi nghĩ Anh văn chuyên ngành như vậy thà không học thì hơn, học cũng như không học, học để đối phó, để đủ điều kiện ra trường... Thôi mong rằng những bạn thế hệ sau tôi được học Anh văn đúng nghĩa chuyên ngành.

T.X.

*  Em nghĩ không cần thiết tổ chức giảng dạy một môn tiếng Anh chuyên ngành: sinh viên có thể tự học được, và các thầy cô có thể lồng ghép những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành vào bài giảng của mình và yêu cầu sinh viên tìm đọc một cuốn giáo trình tiếng Anh nào đó để tham khảo (tìm ở thư viện). Đó là điều mà các giảng viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã và đang thực hiện.

Đinh Khắc Huy - SV năm 3, Đại học Bách Khoa TP.HCM 

* Bài báo trên đây chỉ mới nói tới một góc nhỏ của một vấn đề lớn. Trình độ khoa học và kỹ thuật của Việt Nam còn kém, muốn tiếp cận kiến thức của nhân loại thì phải cập nhật liên tục. Vì việc dịch tài liệu từ ngôn ngữ khác sang tiếng Việt rất tốn kém, mất thời gian, và không thể theo kịp đà tiến bộ của cả thế giới, nên việc học và sử dụng ngoại ngữ là điều bắt buộc.

Tôi làm việc trong ngành y, thỉnh thoảng có đi hội nghị hoặc gặp đồng nghiệp các nước, tôi nhận thấy người Việt mình nói chung khá kém cả ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp. Điều này có phần do chương trình dạy ở bậc đại học hoàn toàn bằng tiếng Việt, có phần do môn tiếng Anh chuyên ngành ít chú trọng đến kỹ năng nghe nói.

Đôi khi tôi được mời giảng cho một lớp tập huấn trong ngành, hoặc một lớp đặc biệt tại một trường sư phạm. Trong lớp học, học viên rất ít hỏi và rất ngại hỏi một cách mạnh dạn giữa đám đông. Thái độ học tập và tiếp thu của học viên cũng không thật sự làm tôi hài lòng. Muốn sinh viên đại học tiếp thu tốt môn tiếng Anh chuyên ngành, việc dạy tiếng Anh ở bậc trung học phải trang bị đủ kỹ năng và kiến thức cho học sinh. Đặt một yêu cầu như điểm TOEIC, TOEFL, IELTS. v.v... làm tiêu chuẩn tốt nghiệp, sinh viên chắc chắn sẽ phải đi học thêm.

Yêu cầu ngoại ngữ này trở thành một rào cản chứ không phải là một biện pháp hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên, tức là đầu tư cho tương lai nước nhà. Chỉ khi nào việc dạy tiếng Anh từ bậc trung học trở đi được cải thiện, và việc dạy học chú trọng đến chất lượng thì mới cải thiện được tình hình. Trong khi chờ đợi, học sinh sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục học môn ngoại ngữ cho có, khi ra trường rồi thì không có bao nhiêu cơ hội nâng cao kiến thức nếu không tự mình xoay sở để có một vốn ngoại ngữ đủ để giao tiếp và học hỏi.

Tran Huy Hoang

T.GIANG - A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên