Phóng to |
Tang vật trong vụ bắt vận chuyển 75 khúc ngà voi, nặng hơn 209kg lưu hành trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn P.Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An), trị giá hơn 6 tỉ đồng - Ảnh: Trần Sơn |
Ngày 12-12, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, tuyên phạt hai bị cáo Lê Văn Tú (44 tuổi, phó giám đốc Công ty TNHH Thái Minh) và Trần Văn Thái (38 tuổi, giám đốc Công ty Thái Minh) mỗi người 3 năm tù vì đã vận chuyển ngà voi là hàng thuộc danh mục bị cấm buôn bán kinh doanh thương mại.
Bản án tuyên sung công quỹ toàn bộ 2,4 tấn ngà voi. Ngay sau khi bản án được tuyên, nhiều câu hỏi được đặt ra là số ngà voi này sẽ được xử lý như thế nào.
Ai định đoạt?
Bộ Tài chính không quản lý ngà voi Khi được hỏi về khối tài sản là ngà voi với số lượng lên tới 25 tấn được tuyên sung công quỹ, về mặt quản lý thì tài sản này sẽ thuộc Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính. Tuy nhiên, một cán bộ của cục này (xin giấu tên) cho biết hiện nay Cục Quản lý công sản không quản lý khối tài sản là ngà voi mà nó nằm rải rác ở kho của hải quan, công an, thi hành án. Vị lãnh đạo này cũng cho biết bởi Cites không cho đấu giá nên không thể định giá được khối tài sản này là bao nhiêu tiền và hiện nay chưa có quy chế để quy về một mối quản lý. “Nếu Chính phủ cho phép quy về một mối thì mới biết được tài sản này hiện nay ra sao, chất lượng thế nào” - vị cán bộ này cho biết. |
Đây không phải là bản án đầu tiên và duy nhất ở VN sung công quỹ đối với mặt hàng này. Tuy nhiên khi liên lạc với ông Nguyễn Văn Lực, cục trưởng Cục Thi hành án TP.HCM, để hỏi về phương án xử lý những vụ việc tương tự thì ông Lực cho biết với những tài sản được tòa tuyên sung công quỹ, Cục Thi hành án TP.HCM sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Sở Tài chính để cơ quan này định đoạt.
“Chúng tôi không xử lý những tài sản được sung công, bởi vậy Sở Tài chính mới là đơn vị quyết định” - ông Lực nói. Tuy nhiên, bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, lại cho rằng đơn vị này chưa từng xử lý vụ việc nào liên quan đến tài sản là ngà voi nên không có câu trả lời về hướng xử lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hoàng Minh Đức, viện phó Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng nếu việc sung công quỹ đối với khối tài sản này để phục vụ cho mục đích giáo dục, nghiên cứu, bảo tồn bảo tàng thì không sao, nhưng nếu có việc đấu giá lấy tiền để sung công quỹ thì chẳng khác nào dán tem nhãn cho hàng hóa bị cấm: “Việc này chẳng khác nào hợp lý hóa và kích thích cho việc buôn bán trên thị trường, đồng thời hợp lý hóa việc buôn bán ngà voi”.
Dẫn chứng cho những điều mình nói, tiến sĩ Đức cho biết gấu là loài động vật không được nuôi ở VN, khi một người dân bắt được hoặc mua được một con gấu, họ mang báo kiểm lâm. Kiểm lâm cho gắn chip để theo dõi gấu, đến chừng nào ổn định thì thả gấu về môi trường tự nhiên nhưng người dân hiểu như vậy là được phép nuôi gấu và rất nhiều người nuôi.
Một dẫn chứng khác ông Đức đưa ra là những đầu nậu gỗ đã tìm cách hợp lý hóa gỗ quý bằng cách thuê thợ rừng vào cưa trộm gỗ trong vườn quốc gia. Sau đó báo kiểm lâm đến lập biên bản, rồi khối gỗ ấy được mang đấu giá, lúc ấy đầu nậu gỗ mua hợp pháp. “Việc tổ chức đấu giá này chẳng khác nào dán tem cho mặt hàng cấm khai thác, buôn bán, kinh doanh, nhưng hiện nay vẫn diễn ra như một nghịch lý” - ông Đức nói. Và theo ông Đức, cách tốt nhất là tiêu hủy những sản phẩm thuộc danh mục cấm lưu hành.
25 tấn ngà voi đang được cất giữ
Có thông tin cho rằng do không được kinh doanh thương mại nên lượng ngà voi thu giữ từ trước đến nay chỉ có thể đưa vào các bảo tàng để bảo quản và trưng bày.
Theo ông Đức, đây là một cách phát huy hiệu quả của những tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, ông Đức cũng khẳng định rằng so với số lượng bị bắt giữ ngày một nhiều thì việc đưa vào bảo tàng chẳng đáng bao nhiêu: “Đưa vào bảo tàng là phương án tốt nhưng lại phải chia lẻ ra thì quản lý rất khó”.
Chia sẻ kinh nghiệm của cơ quan mình đã từng làm đơn xin các mẫu vật là động vật hoang dã quý hiếm trong những vụ buôn lậu, khai thác trái phép để làm mẫu vật trưng bày, ông Đức nói: “Nếu Sở Tài chính đồng ý giải quyết theo hướng đó thì các bảo tàng, các trung tâm nghiên cứu có thể làm công văn đề nghị xin với mục đích học tập, nghiên cứu, trưng bày”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc quản lý, theo dõi, giám sát tài sản là ngà voi, ông Đỗ Quang Tùng, giám đốc cơ quan quản lý Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), cho biết hiện nay VN có 25 tấn ngà voi được lưu giữ trong các kho bãi nằm rải rác trên khắp đất nước.
Theo ông Tùng, số lượng ngà voi này nằm ở những cơ quan đơn vị đã bắt được lô hàng, đã có quyết định sung công quỹ. Tuy nhiên, Cites chỉ nắm được thông tin báo cáo về trọng lượng của các lô hàng mà chưa có thời gian để đi kiểm tra xem việc bảo quản, giữ gìn, bảo vệ những lô hàng này được thực hiện như thế nào.
105kg ngà voi tang vật bị mất trộm Ngày 13-12, Công an TP Vinh (Nghệ An) cho biết vừa khởi tố thêm tội danh “tham ô tài sản” đối với bốn nghi can trộm 105kg/209,4kg ngà voi tang vật của vụ án đang được cất giữ trong kho của Chi cục Thi hành án TP Vinh (Tuổi Trẻ 14-11). Lý do, trong quá trình đấu tranh, công an phát hiện bốn nghi can này đã tổ chức công phu, dàn dựng hiện trường giả như kẻ trộm đột nhập trong đêm khuya, cạy khóa, phá tung một cánh cửa kho để trộm. Trước đó, từ ngày 12 đến 14-11, sau khi bắt khẩn cấp nghi can Phạm Huy Minh (39 tuổi, chấp hành viên Cục Thi hành án Nghệ An) và ba nghi can khác đều thuộc Chi cục Thi hành án TP Vinh là Đinh Thị Trà Giang (32 tuổi, thủ kho kiêm thủ quỹ), Đặng Ngọc Thế (33 tuổi, cán bộ đang học chấp hành viên) và Tạ Đức Anh (36 tuổi, bảo vệ), Công an TP Vinh đã khởi tố vụ án “trộm tài sản”. Sở dĩ ngà voi tang vật cất trong kho của Chi cục Thi hành án TP Vinh là do trong phiên sơ thẩm của TAND TP Vinh hồi tháng 10-2012, ông Trần Anh Sáng - thẩm phán TAND TP Vinh giữ quyền chủ tọa phiên tòa này - đã tuyên “tịch thu, hóa giá số ngà voi tang vật để sung công quỹ nhà nước”. Ngày 13-12, ông Sáng cho biết tòa án đã giao Chi cục Thi hành án TP Vinh kết hợp với Phòng tài chính - kế hoạch của UBND TP Vinh làm thủ tục đấu giá khi án có hiệu lực nhưng chưa kịp thì xảy ra vụ mất trộm. Trao đổi về việc ngà voi có được hóa giá đem bán sau khi án có hiệu lực hay không, ông Sáng nói: “Theo nghị định 94 của Chính phủ, có ba cách xử lý tang vật là động vật hoang dã như tái xuất về nơi xuất khẩu, dùng trong nghiên cứu khoa học hoặc bào chế thuốc và hóa giá sung công quỹ nhà nước”. Trong lúc đó, đại tá Trần Hồng - trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Nghệ An, đơn vị đã bắt đối tượng Lê Anh Chiến (trú tại Hà Tĩnh) vận chuyển trái phép 209,4kg ngà voi này - cũng nói: “Có thể hóa giá, bán ngà voi tang vật trong các vụ án vì số ngà voi được vận chuyển với mục đích thương mại”. Vũ Toàn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận