Căng thẳng cuộc chiến tài chính Mỹ và đồng minh - Nga - Ảnh minh họa: Financial Times
Trong phản ứng ngày 27-6, Điện Kremlin khẳng định: "Không có căn cứ nào để gọi tình huống này là vỡ nợ". Giới chuyên gia cho rằng tác động của vụ "vỡ nợ" này với kinh tế thế giới là không đáng kể.
Tôi gọi là nhân tạo, vì tình huống do họ tạo ra chứ không có cơ sở thực tế nào về vỡ nợ của Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov
Có thể kiện ra tòa
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga đã thanh toán trái phiếu đến hạn vào tháng 5 vừa qua nhưng đã bị công ty thanh toán quốc tế Euroclear chặn lại do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông cho rằng đây không phải là lỗi của Nga.
Một nhà đầu tư tiết lộ với báo Wall Street Journal (WSJ) rằng công ty thanh toán bù trừ Euroclear đã nhận được tiền cho các khoản thanh toán lãi suất của Nga vào tháng 5-2022. Song tiền thanh toán không thể đi vào tài khoản của nhà đầu tư này do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giới luật sư cho hay các tài liệu liên quan tới trái phiếu Chính phủ Nga không nêu rõ liệu các khoản thanh toán đã đến cơ sở thanh toán bù trừ nhưng chưa tới tài khoản trái chủ có cấu thành một vụ vỡ nợ chính thức hay không.
Theo WSJ, khác với đa số các trái phiếu chính phủ trên thế giới, trái phiếu của Nga không chỉ định cụ thể một bên có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Vì thế trong trường hợp này, tờ báo tài chính của Mỹ cho rằng các luật sư biết tiếng Anh hoặc tòa án tại Mỹ sẽ là bên phân định ai đúng ai sai. Nếu Nga không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau khi thời kỳ ân hạn kết thúc, các nhà đầu tư trái phiếu nước này có quyền tuyên bố "vỡ nợ trái phiếu".
Tuy nhiên, để bắt đầu tiến trình pháp lý về việc Nga "vỡ nợ", bước đầu tiên là các trái chủ nắm giữ ít nhất 25% số trái phiếu phải đồng ý kích hoạt điều khoản giúp tăng tốc trả nợ. Điều khoản này cho phép họ yêu cầu hoàn trả ngay lập tức số tiền chưa thanh toán của trái phiếu. Nếu Nga không thanh toán, các trái chủ có 3 năm để đưa đơn kiện Nga ra tòa.
"Đây là trường hợp vỡ nợ trái phiếu chính phủ lộn xộn và thiếu chắc chắn về mặt pháp lý nhất mà tôi có thể nghĩ đến. Đó sẽ là một trong nhiều điều khiến nhà đầu tư lo lắng khi họ nghĩ đến việc kiện Chính phủ Nga", ông Mark Weidemaier, chuyên gia về nợ chính phủ và giáo sư luật tại Đại học North Carolina (Mỹ), nhận định.
Ảnh hưởng ra sao?
Nga đang nợ 40 tỉ USD trái phiếu nước ngoài, khoảng một nửa trong số đó do các nhà đầu tư ngoại nắm giữ. Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra vào ngày 24-2, Nga có khoảng 640 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài và hiện bị đóng băng.
Đây có thể xem là lần đầu tiên trái phiếu quốc tế của Nga "vỡ nợ" trong hơn một thế kỷ qua. Lần cuối cùng Nga vỡ nợ nước ngoài là vào năm 1918, trong cuộc Cách mạng Bolshevik khi nhà lãnh đạo Vladimir Lenin từ chối trả các khoản nợ từ thời Sa hoàng.
Dù vậy, hai đợt "vỡ nợ nước ngoài" này hoàn toàn khác nhau, không chỉ vì các vấn đề pháp lý, mà còn về tác động thực tế của nó. Trả lời Đài CNBC, ông Timothy Ash - chiến lược gia cấp cao tại Công ty quản lý tài sản Bluebay - thừa nhận việc vỡ nợ có thể không ảnh hưởng nhiều đến thị trường thế giới ngay lập tức. Tuy nhiên, ông lưu ý các trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ có thời hạn dài hơn của Nga đã rớt giá từ 130 cent xuống còn khoảng 20 - 30 cent sau xung đột Ukraine.
Theo ông Ash, dù các hãng xếp hạng tín dụng không thể gọi đây là một khoản vỡ nợ, sự kiện này vẫn "rất quan trọng" vì ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận thị trường và xếp hạng tín dụng của Nga trong nhiều năm tới. Điều này đồng nghĩa khả năng tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài của Nga sẽ bị hạn chế và nước này phải đối mặt với chi phí vay nợ cao hơn trong một thời gian dài sắp tới.
Không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định một quốc gia được xem là vỡ nợ hoàn toàn khi không thể trả các khoản nợ đã vay của nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào. Theo ông Huân, trong trường hợp của Nga hiện nay chỉ là "vỡ nợ kỹ thuật" vì nước này vẫn khẳng định đủ tiền để thanh toán bất kỳ khoản nợ nào, nhưng dòng tiền thanh toán bị tắc nghẽn do phương Tây chặn lại.
Ông cho biết do quy mô nền kinh tế Nga không nằm trong top 10 thế giới, nên việc "vỡ nợ kỹ thuật" của Nga không tác động đáng kể đến kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều do Nga không phải là đối tác thương mại chính của nước ta (không nằm trong top 10).
Ông Huân cho rằng việc Nga bị loại ra hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT - nơi đồng USD chủ đạo - và bị tuyên bố "vỡ nợ" nước ngoài càng đẩy Nga rơi vào hai lựa chọn: phải xây dựng hệ thống tiền tệ mới hoặc tiến gần hơn với Trung Quốc để cùng xây dựng hệ thống tiền tệ mới. "Nếu vậy, hệ thống tiền tệ hiện đại của thế giới có thể chuyển từ đơn cực xoay quanh Mỹ sang đa cực xoay quanh cả Mỹ và Trung Quốc", ông nhận định.
BÔNG MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận