Thủ tướng CH Séc Andrej Babiš (trong ảnh) cáo buộc chính các nhà ngoại giao Nga tung tin đồn thất thiệt rằng Nga mưu toan đầu độc các chính trị gia Séc - Ảnh: AFP
Theo Hãng thông tấn AFP, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Cộng hòa (CH) Séc Vitezslav Pivonka và thông báo "hai nhân viên ngoại giao CH Séc ở thủ đô Matxcơva là persona non grata".
Đây là một thuật ngữ Latinh trong quan hệ ngoại giao có nghĩa là "nhân vật không được hoan nghênh". Khi quốc gia tiếp nhận thông báo một hoặc nhiều cá nhân ngoại giao nào đó không được hoan nghênh, điều đó đồng nghĩa họ đã bị trục xuất và phải rời khỏi nước tiếp nhận.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 15-6 cho biết hai nhà ngoại giao Séc cùng gia đình sẽ phải rời khỏi Nga trước cuối ngày 17-6 tới. Chính quyền Matxcơva nhấn mạnh việc trục xuất là hành động "đáp trả lại sự khiêu khích tương tự của Praha".
Cớ sự cho những căng thẳng giữa Nga và CH Séc bắt nguồn từ một tin đồn vô căn cứ hồi tháng 4 trên tạp chí Respekt của Séc. Tờ này khẳng định có các nguồn tin tiết lộ Nga đang lên kế hoạch đầu độc các quan chức Praha bằng chất độc ricin vì dám di dời bức tượng gây tranh cãi của Nguyên soái Liên Xô Ivan Konev.
Sau thông tin của tờ Respekt, thị trưởng Praha và một số chính trị gia khác được đặt trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt 24/7 nhưng không hề có chuyện gì xảy ra sau đó.
Ngày 5-6, Thủ tướng CH Séc Andrej Babiš xác nhận âm mưu đầu độc chỉ là một tin đồn nhưng cáo buộc chính Nga là người đã tạo ra nó. Ông Babiš sau đó tuyên bố trục xuất hai nhà ngoại giao Nga như một biện pháp trừng phạt.
Tượng của Nguyên soái Liên Xô Ivan Konev ở Praha bị chính quyền địa phương di dời hồi đầu tháng 4-2020 - Ảnh: AFP
Sự việc khiến một số người ngoài cuộc khó hiểu. Chính phủ Nga nhanh chóng lên tiếng khẳng định các thông tin trên tờ Respekt là "một sự tưởng tượng bệnh hoạn" và gọi hành động trục xuất của Praha là "thù địch".
Bộ Ngoại giao Nga sau đó cảnh báo sẽ trả đũa Séc vì dám đưa ra các cáo buộc "bất hợp lý và vô căn cứ" nhắm vào các nhà ngoại giao Nga.
Sau động thái "ăn miếng trả miếng" của Nga, CH Séc đã có dấu hiệu xuống nước, theo AFP. Đại sứ CH Séc tại Nga ngày 15-6 thông báo hai bên sẽ sớm tổ chức các cuộc tham vấn về sự cố lần này, trong đó bao gồm cả việc khôi phục lại bức tượng của tướng Konev.
Nguyên soái Konev là người đã lãnh đạo Hồng quân Liên Xô giải phóng Praha năm 1945. CH Séc ngày nay từng là một phần của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc - quốc gia chia sẻ nhiều giá trị tư tưởng với Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận