Các binh sĩ Nga tại thành phố Almaty của Kazakhstan trong video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 9-1 - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố ngày 11-1, Tổng thống Tokayev khẳng định hơn 2.000 binh sĩ và 250 khí tài của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã "hoàn thành xuất sắc" nhiệm vụ tại Kazakhstan.
CSTO gồm một số nước từng thuộc Liên Xô như Nga, Kazakhstan, Armenia, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan. Nga là nước lớn nhất và giữ vai trò dẫn dắt của cả khối.
Theo Tổng thống Tokayev, hơn 2.000 binh sĩ các nước CSTO sẽ rút khỏi Kazakhstan từ ngày 13-1 và hoàn tất trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm này.
Số binh sĩ này trước đó được máy bay quân sự Nga cấp tập đưa đến Kazakhstan, điều mà một số nhà quan sát cho là thông điệp đến Mỹ cùng đồng minh về khả năng điều quân của Nga.
Hồi tuần trước, phản ứng trước các vụ biểu tình và bạo loạn tại nhiều thành phố lớn, chính quyền Tổng thống Tokayev đã yêu cầu CSTO triển khai quân tới nước này. Động thái lập tức vấp phải sự nghi ngờ từ phía Mỹ với ám chỉ quân đội Nga sẽ đóng quân lâu dài tại Kazakhstan.
Matxcơva bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố sứ mệnh của CSTO sẽ kết thúc khi Kazakhstan tuyên bố không cần sự hỗ trợ từ tổ chức này.
Tình hình tại Kazakhstan đang có dấu hiệu ổn định trở lại sau khi Tổng thống Tokayev tuyên bố đã đập tan "âm mưu đảo chính" và phá hoại của khủng bố được nước ngoài hỗ trợ.
Trong thông báo ngày 11-1, nhà lãnh đạo 68 tuổi cho biết sẽ bổ nhiệm ông Alikhan Smailov làm người đứng đầu chính phủ. Ông cũng chỉ định một số bộ trưởng chủ chốt và giữ lại một vài người trong chính phủ đã từ chức hồi tuần trước sau khi xảy ra biểu tình, bạo loạn ở thủ đô.
Đương kim tổng thống cũng kêu gọi các công ty lớn trong nước "chia sẻ sự giàu có" với người dân, điều mà Hãng tin Reuters cho là nhắm trực tiếp vào cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận