Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở ngoại ô thành phố Enerhodar, Ukraine do Nga kiểm soát - Ảnh: REUTERS
Hiện tại Nga và Ukraine công khai cáo buộc nhau đã tấn công Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia vào cuối tuần qua
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhật, ông Guterres nói bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đều đồng nghĩa với tự sát.
"Tôi hy vọng các vụ tấn công sẽ chấm dứt, đồng thời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ có thể tiếp cận nhà máy", ông Guterres nói.
Theo Hãng tin Reuters, các lực lượng Nga đã chiếm được tổ hợp lò phản ứng hạt nhân Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine vào đầu tháng 3-2022, ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt, nhưng nhà máy vẫn do các kỹ thuật viên Ukraine vận hành.
Theo Đài RT của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói các vụ pháo kích vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine là do Nga tiến hành. Theo đó, vụ pháo kích hôm 6-8 làm hỏng ba cảm biến bức xạ và vụ tấn công thứ hai vào hôm sau làm một công nhân bị thương.
Ukraine cũng cáo buộc Nga dùng Nhà máy Zaporizhzhia làm lá chắn và biến nơi đây thành căn cứ quân sự.
Ngược lại, Nga cáo buộc quân đội Ukraine bắn đạn pháo vào nhà máy và đã thực hiện một số vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy điện hạt nhân trong tháng qua.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số thiết bị ở nhà máy bị mất điện do vụ pháo kích của Ukraine, hỏa hoạn bùng lên nhưng may mắn được dập tắt nhanh chóng.
Đại sứ quán Nga tại Washington nói cụ thể hơn về thiệt hại, cho biết pháo kích từ "những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine" đã làm hư hai đường dây điện cao thế, một đường ống dẫn nước, nhưng cơ sở hạ tầng quan trọng không bị ảnh hưởng.
Đài RT dẫn lời một quan chức cấp cao về không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các cuộc tấn công vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có nguy cơ gây ra một sự kiện tương tự thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Ngày 6-8, IAEA cho biết họ "cực kỳ lo ngại" về vụ pháo kích tại Nhà máy Zaporizhzhia. IAEA đã đề nghị cử một phái đoàn đến đây để "hỗ trợ kỹ thuật về an ninh và an toàn hạt nhân" và "giúp ngăn chặn tình hình ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát".
Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều không phản ứng với đề xuất này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận