Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Matxcơva, Nga - Ảnh: AFP
Theo báo cáo, trong bối cảnh đối phó với đại dịch, Chính phủ Nga đã phát triển các cơ chế, nguyên tắc phát triển kinh tế mới. Theo đó, nòng cốt là tạo sự đổi mới trong tương tác công việc giữa các cơ quan hành pháp liên bang với các cơ quan hành chính khu vực, tổ chức chuyển đổi sang một trật tự thông tin công nghệ mới.
Điều này đã trở thành nền tảng của sức mạnh kinh tế, giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế, tạo điều kiện ứng phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga trong năm 2022.
Báo cáo nêu rõ trong năm 2021, Chính phủ Nga đã thành công trong việc thay đổi định hướng phát triển kinh tế từ lĩnh vực tài chính và dịch vụ - nguyên liệu thô sang các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao và lĩnh vực xã hội.
Năm 2021, nền kinh tế Nga đạt mức tăng trưởng 4,7%, trong đó sản xuất chế tạo máy đóng góp 10% tăng trưởng, xuất khẩu phi tài nguyên phi năng lượng chiếm 40%. Ngoài ra, kinh tế Nga mở rộng đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Mishutin đánh giá cuộc cải cách đã mang lại những kết quả cụ thể ban đầu trong lĩnh vực xã hội, ảnh hưởng đến mức sống trung bình của người dân.
Bên cạnh việc ứng phó cấp bách với đại dịch COVID-19, Chính phủ Nga thúc đẩy cải cách ngành y tế, khắc phục những điểm yếu của hệ thống y tế trong nước trong giai đoạn 2010 - 2019.
Trong đó, trên cả nước Nga đã sửa chữa, nâng cấp và xây mới hơn 1.000 phòng khám đa khoa, hơn 3.000 trạm y tế được khôi phục và xây dựng để phục vụ cho 8 triệu người dân nông thôn, và khoảng 37.000 thiết bị y tế tinh vi đã được mua sắm.
Hỗ trợ xã hội dưới hình thức chi trả và trợ cấp đã được cung cấp cho 43 triệu người về hưu, 21 triệu học sinh, người tàn tật và cựu chiến binh.
Chính phủ Nga cũng tăng chi tiêu cho các hạng mục ngân sách xã hội nói chung. Trong đó, hàng trăm trường học và mẫu giáo mới đã được xây dựng và 7,5 triệu học sinh được cung cấp bữa ăn nóng miễn phí.
Theo Thủ tướng Mishutin, việc thực hiện Học thuyết an ninh lương thực, được thông qua vào tháng 1-2020, dẫn đến sự độc lập tối đa của Nga trong vấn đề lương thực, đảm bảo cung cấp ngũ cốc (149%), cá (153%), thịt (100,3%) cho nhu cầu nội địa.
Ngoài ra, Chính phủ Nga đề xuất một chương trình hành động toàn diện, bao gồm: Đảm bảo hoạt động liên tục của các ngành công nghiệp và doanh nghiệp cơ bản; Hỗ trợ kinh doanh và mở rộng quyền tự do của doanh nghiệp thông qua việc tối ưu hóa các văn bản quy định; Đảm bảo về mặt xã hội cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương; Ổn định thị trường tiêu dùng và tăng trưởng của nhu cầu tiêu dùng; Hỗ trợ nền kinh tế trong các lĩnh vực ứng phó với hầu hết các biện pháp trừng phạt.
Theo người đứng đầu Chính phủ Nga, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nga áp dụng mức lãi suất chủ chốt 20%, Chính phủ đã sử dụng các biện pháp xoay vòng, đảm bảo sự ổn định tài chính của nền kinh tế.
Theo đó, các doanh nghiệp quan trọng về mặt hệ thống sẽ được đưa vào các chương trình cho vay ưu đãi (120 tỉ rúp), dự kiến sẽ tăng cường tương tự cho nông dân và khu liên hợp nhiên liệu và năng lượng. Tình trạng nợ công của các khu vực đối với các ngân hàng thương mại đang giảm dần.
Thủ tướng Mishutin cho biết Chính phủ Nga sẽ phối hợp với các nước thân thiện nhằm đề xuất một số biện pháp chống trừng phạt kinh tế đối ngoại, cho phép chủ động định hình bản chất của ngoại thương theo các điều khoản cùng có lợi.
Nga hạ lãi suất đồng rúp
Ngày 8-4, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo hạ lãi suất chủ chốt từ 20% xuống còn 17%, áp dụng từ ngày 11-4 tới và có thể tiếp tục hạ trong các cuộc họp tới.
Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, do gia tăng nguy cơ đối với ổn định tài chính.
Trong thông báo ngày 8-4, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nguy cơ bất ổn tài chính vẫn hiện hữu song đã ngừng gia tăng. Có những dòng tiền gửi thời hạn cố định đều đặn và tỉ lệ tăng giá hiện nay đang giảm mạnh. Tuy nhiên, điều kiện bên ngoài đối với kinh tế Nga vẫn đang thách thức và hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu từ ngày 24-2 đã dẫn đến một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, khiến đồng rúp giảm mạnh và lạm phát gia tăng, tuy nhiên đồng rúp đã phục hồi trong những tuần gần đây nhờ các biện pháp kiểm soát vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận