Sáng 2-5, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Hà Nội, đại sứ Nga, Belarus, Kazakhstan, Azerbaijan tại Việt Nam đã tổ chức họp báo nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
Cách đây 79 năm, vào ngày 9-5-1945, Đức Quốc xã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Liên Xô và quân Đồng minh, đánh dấu Thế chiến 2 kết thúc tại châu Âu.
Kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5 hằng năm là dịp để thế giới nhìn lại cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử, cũng như tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất.
Ôn lại lịch sử, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko chia sẻ: "Ở Nga, người ta không chỉ tưởng nhớ đến các binh sĩ Liên Xô, mà còn nhớ đến các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, những người đã chiến đấu cùng Hồng quân trong trận chiến ở Matxcơva.
Sáng nay (2-5), chúng tôi đã đặt vòng hoa tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tượng đài các anh hùng liệt sĩ. Ngày mai 3-5 tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, trong khuôn khổ chiến dịch 'Binh đoàn bất tử' hằng năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tưởng niệm những người thân của chúng tôi đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại".
Cũng theo ông Bezdetko, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến mối liên hệ chặt chẽ giữa những chiến thắng của Hồng quân Liên Xô chống lại Phát xít Đức và Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống thực dân Pháp.
"Nhờ vào sự anh dũng của nhân dân Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ vật chất và kỹ thuật quy mô lớn từ Liên Xô và các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã giành được những chiến thắng lịch sử trên chiến trường và sau đó là trên mặt trận ngoại giao, trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Hòa bình Geneve năm 1954 và Hội nghị Hòa bình Paris năm 1973", ông nhấn mạnh.
Đại sứ Betdezko cho biết giống như Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ hàng thế kỷ, trở thành tấm gương cho các dân tộc khác ở châu Á và châu Phi trong cuộc đấu tranh chống giặc xâm lược.
Đại sứ Nga nêu bật tầm quan trọng của việc tưởng nhớ những sự kiện lịch sử ở cả Nga và Việt Nam, để bảo đảm rằng những hy sinh lớn lao để giành được tự do không phải là vô ích.
Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, 7 chiến sĩ Việt Nam đã tình nguyện tham gia các đơn vị Hồng quân và tham gia trong cuộc chiến bảo vệ Matxcơva năm 1941.
Đó là các ông: Lý Phú San (tên thật là Lê Phan Chăn), Lý Văn Minh (tên thật là Đinh Trường Long), Lý Thúc Chất (tên thật là Vương Thúc Thoại), Vương Thúc Tình (tên thật là Vương Thúc Liên), Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Thế Tư), Lý Nam Thanh (tên thật là Nguyễn Sinh Thân) và Lý Chí Thông (tên thật là Ngô Chí Thông).
Trong số này, các ông Lê Phan Chăn, Vương Thúc Thoại, Vương Thúc Liên, Hoàng Thế Tư, và Nguyễn Sinh Thân đã được Nhà nước Xô viết tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất theo quyết định của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô ngày 12-12-1986.
Vào năm 2020, 7 chiến sĩ Việt Nam đã được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của tổ hợp bảo tàng "Con đường tưởng niệm" tại Matxcơva.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận