Nga - Trung: Đối tác tất yếu?

HỮU NGHỊ 14/03/2022 23:00 GMT+7

TTCT - Giữa lúc hầu như cả thế giới đang lo đủ thứ hệ lụy phát sinh bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc vẫn vừa ôm vai, bá cổ Matxcơva, vừa ung dung diễn tập quân sự trên Biển Đông...

Rốt cuộc, bất chấp những đe dọa bởi chiến tranh cùng những tuyên bố tẩy chay, bất chấp đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại châu Á với biến thể mới, Thế vận hội mùa đông lần thứ 24 cũng đã diễn ra tại Bắc Kinh như mong muốn của nước chủ nhà. 

Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của “ông chủ” Điện Kremlin cùng “ông chủ” Tử Cấm Thành và 17 nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ khác đã đem lại sự trịnh trọng cần thiết cho buổi lễ khai mạc hoành tráng xây dựng trên chủ đề “Một thế giới, một gia đình”.

 
 Ảnh: Foreign Policy

Tuyên ngôn về kỷ nguyên mới

Việc dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ngày 4-2 chỉ là một phần nhỏ trong lịch trình chuyến thăm thứ 15 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc - một kỷ lục thế giới! Thật vậy, lần đầu ông Putin thăm Trung Quốc là ngày 18 và 19-7-2000. 

Tiếp ông lúc đó là ông Giang Trạch Dân và năm đó, ông Putin mới vừa lên làm tổng thống. Giờ thì ông Putin đã ngồi 4 nhiệm kỳ tổng thống, xen kẽ bởi một lần “xuống” làm thủ tướng, ba đời Chủ tịch Trung Quốc hậu Đặng Tiểu Bình, ông đều đã gặp đủ, còn Chủ tịch Giang lúc này đã 95 tuổi.

Giở lại lịch sử để thấy quan hệ Nga - Trung, qua chừng ấy chục năm của trào Putin, gắn bó sâu đậm dường nào. 

Mối quan hệ đó giờ thậm chí sẽ lên một tầm cao mới trong thời đại Putin - Tập Cận Bình. Cùng chí hướng, cùng hậu vận, cùng địch thủ, thật dễ gắn bó trong tầm nhìn chung, như được thể hiện trong Tuyên bố chung Nga - Trung “Về quan hệ quốc tế bước vào kỷ nguyên mới phát triển toàn cầu vững bền”.

Rõ ràng, cuộc gặp ngày 4-2 chính là để công bố với thế giới tầm nhìn của hai nhà lãnh đạo. Hai ông quả quyết rằng: “Ngày nay, thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời sự, nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên mới phát triển nhanh chóng và biến đổi sâu sắc”. 

Mà trong đó: “Một xu hướng nổi lên hướng đến tái phân bổ quyền lực trên thế giới; và cộng đồng quốc tế đang thể hiện nhu cầu ngày càng lớn với sự lãnh đạo hướng tới mục tiêu phát triển hòa bình và từng bước”.

Nếu cả ông Tập, lãnh đạo cường quốc lớn và giàu, mạnh nhất nhì thế giới, và ông Putin, chí ít cũng là cường quốc lớn, mạnh nhất châu Âu (giàu tính sau) đều quả quyết đã tới lúc “tái phân bổ quyền lực trên thế giới”, thì thế giới đương nhiên phải lắng nghe. 

Những gì diễn ra tiếp đó cho thấy tuyên bố này không hề là lời nói suông, như nhiều tuyên bố chung ngoại giao trước giờ vẫn thế.

Tuyên bố chung Nga - Trung cũng đặt ra nhiều vấn đề về hai hệ thống chính trị, khẳng định ưu thế của công cuộc chống dịch COVID-19 kiểu Trung Quốc so với cách làm “loạn xà ngầu” ở phương Tây. 

Qua đó hai ông Tập và Putin khẳng định: “Nga và Trung Quốc bảo đảm cho người dân nước mình quyền tham gia bằng nhiều phương tiện và hình thức khác nhau vào việc quản lý Nhà nước và đời sống công theo quy định của pháp luật”, hoàn toàn trái ngược với “một số đối tượng tuy chỉ đại diện phe thiểu số trên quy mô quốc tế vẫn tiếp tục ủng hộ các cách tiếp cận đơn phương để giải quyết các vấn đề quốc tế và sử dụng vũ lực; can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước, kích động mâu thuẫn, khác biệt, đối đầu, cản trở sự phát triển và tiến bộ của nhân loại, chống lại sự phản đối của cộng đồng quốc tế”.

Chân giò và chai rượu

Tuy nhiên, sẽ không có quan hệ đối tác nếu chỉ có lý tưởng chung mà thiếu đi những gì thiết thực. Tuyên bố chung ngày 4-2 còn giải quyết nhiều vấn đề song phương cụ thể. 

Sự thống nhất đưa ra những điểm bắt đầu bằng từ ngữ “các bên” hay “phía Trung Quốc” hoặc “phía Nga” là kết quả của những bàn bạc trao đổi thiết thực đó, rất thực tế, rất làm ăn.

Trao đổi đầu tiên là: “Phía Nga tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc Một Trung Quốc, khẳng định Đài Loan là một bộ phận bất khả xâm phạm của Trung Quốc và phản đối mọi hình thức độc lập của Đài Loan”. 

Đổi lại, Trung Quốc thống nhất với Nga về vấn đề đang hết sức nóng bỏng, và sắp sửa nổ tung: “Các bên phản đối việc mở rộng hơn nữa NATO và kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ bỏ cách tiếp cận ý thức hệ của chiến tranh Lạnh, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các quốc gia khác, sự đa dạng của nền văn minh, văn hóa và lịch sử của các nước, công bằng và khách quan với sự phát triển hòa bình của các quốc gia khác”.

Kế đến, Nga - Trung cũng hết sức thống nhất trong một vấn đề rất phức tạp với cả hai bên, như có thể thấy qua các biến cố ở Ukraine năm 2014: “Nga và Trung Quốc chống lại các nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm phá hoại an ninh và ổn định ở các khu vực tiếp giáp chung (của hai nước), chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền dưới bất kỳ lý do nào, phản đối các cuộc cách mạng màu và sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nói trên”.

Sau đó là phần hứa hẹn của Nga: “Các bên phản đối việc hình thành các khối khép kín và các phe đối đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và luôn cảnh giác cao độ về tác động tiêu cực của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với hòa bình và ổn định trong khu vực”. 

Vì lẽ đó, hai bên giới thiệu chính sách chung của họ ở châu Á - Thái Bình Dương, đối trọng với chính sách của Mỹ: “Nga và Trung Quốc đã có những nỗ lực nhất quán nhằm xây dựng một hệ thống an ninh bình đẳng, cởi mở và bao trùm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không nhằm vào các nước thứ ba và thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Xứng tầm với vụ NATO, Nga “lì xì” cho Trung Quốc một quyết tâm chung khác cho vấn đề sát sườn với Bắc Kinh: 

“Các bên quan ngại thực sự đến quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Úc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (AUKUS)..., đặc biệt là quyết định bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân... Nga và Trung Quốc cho rằng những hành động đó đi ngược lại các mục tiêu an ninh và phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực và gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng. Các bên lên án mạnh mẽ những động thái như vậy và kêu gọi các bên tham gia AUKUS thực hiện các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và tên lửa một cách thiện chí”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 7-3, khi chiến sự Ukraine đã bùng nổ được hai tuần lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn khẳng định như đinh đóng cột rằng Nga là “đối tác chiến lược chính yếu” của Trung Quốc!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận