Bộ Quốc phòng Anh hôm 20-3 xác nhận sẽ cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo. Những loại đạn như vậy từng được Mỹ phát triển trong Chiến tranh lạnh để tiêu diệt xe tăng Liên Xô.
Nga đã phản ứng dữ dội trước thông tin này. Anh nói rằng chúng là một dạng đạn thông thường nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng động thái của Anh cho thấy các thành viên NATO đang gửi vũ khí có "thành phần hạt nhân" tới Kiev.
"Phương Tây nhận thức rõ về những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng đạn uranium nghèo", ông Igor Kirillov, tư lệnh Lực lượng Phòng vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của quân đội Nga, cho biết ngày 24-3.
Theo ông Kirillov, dữ liệu về việc sử dụng đạn uranium nghèo của Mỹ và các đồng minh tại Balkan và Iraq cho thấy loại đạn này gây ra những tác động tiêu cực, nghiêm trọng và lâu dài đối với người dân và môi trường.
"Ngành nông nghiệp của Ukraine có thể bị ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ", ông Kirillov khẳng định.
Liên minh Quốc tế cấm vũ khí uranium, tổ chức chỉ trích sử dụng uranium nghèo, cho rằng con người có thể hít vào bụi từ loại đạn này, đồng thời những viên đạn bắn trượt mục tiêu có thể đầu độc đất và nước ngầm.
Theo Hãng tin Reuters, các nước như Mỹ và Anh cho biết đạn uranium nghèo là công cụ hữu dụng để phá hủy một chiếc xe tăng hiện đại. Trong hướng dẫn gửi Ukraine, Anh cho biết rất khó hít đủ lượng bụi từ đạn uranium nghèo để gây thương tổn.
Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ những tuyên bố này và cho rằng việc sử dụng đạn uranium nghèo, so với đạn dựa trên Vonfram, "không mang lại lợi thế đáng kể" trên chiến trường.
Trong một báo cáo công bố năm 2002, Hội Hoàng gia London (Anh) khẳng định rủi ro đối với thận và các cơ quan khác do sử dụng đạn uranium nghèo là rất thấp đối với hầu hết binh lính trên chiến trường và đối với những người sống trong khu vực xung đột.
Theo Liên minh Quốc tế cấm vũ khí uranium, Nga cũng là một trong khoảng 20 quốc gia sản xuất vũ khí uranium.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận