04/06/2021 19:27 GMT+7

Nga sốt ruột vì WHO chưa phê chuẩn vắc xin Sputnik V

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Dù là vắc xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới, Sputnik V vẫn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Trong khi các loại vắc xin khác do Trung Quốc, Mỹ và Anh sản xuất 'đi sau' lại 'về trước'.

Nga sốt ruột vì WHO chưa phê chuẩn vắc xin Sputnik V - Ảnh 1.

Vắc xin Sputnik V của Nga tại một cơ sở y tế thuộc vùng Matxcơva - Ảnh: REUTERS

Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp quốc tế Nga (RDIF - đơn vị tiếp thị Sputnik V trên toàn cầu), vừa lên tiếng hối thúc WHO phê duyệt vắc xin Sputnik V trong vòng 2 tháng.

Lời kêu gọi đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 4-6, ba ngày sau khi vắc xin Sinovac của Trung Quốc được WHO phê duyệt. Đây là loại vắc xin thứ 6 được tổ chức này cấp phép sử dụng khẩn cấp toàn cầu.

Theo ông Dmitriev, Cơ quan dược phẩm châu Âu đã xem xét cấp phép cho Sputnik V và được cung cấp mọi tài liệu cơ bản về loại vắc xin này. Ông khẳng định đến thời điểm hiện tại, phía châu Âu chưa đưa ra lời than phiền hoặc thắc mắc nào về chất lượng vắc xin.

Người đứng đầu RDIF cũng chỉ ra việc WHO từng kiểm tra vài lần địa điểm sản xuất Sputnik V và không đưa ra các quan ngại nào.

"Những người xem xét có thái độ chuyên nghiệp. Họ không đưa ra bất kỳ quan ngại nào, ít nhất là đến bây giờ - ông Dmitriev nói với Hãng tin Reuters trong cuộc phỏng vấn ngày 4-6 - Nếu chúng tôi không minh bạch về quy trình sản xuất, chúng tôi sẽ chẳng mời ai đến cả".

Theo tiết lộ của ông Dmitriev, Nga sẽ thử nghiệm kết hợp vắc xin Sputnik V và các loại vắc xin COVID-19 của Trung Quốc. Cuộc thử nghiệm có thể sẽ được tiến hành tại các nước Ả Rập, theo Hãng tin Interfax.

Hiện Nga đang thúc đẩy việc xuất khẩu vắc xin Sputnik V, và tiến hành các điều chỉnh để tăng mức độ bảo vệ của vắc xin trước các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Nga khẳng định Sputnik V có hiệu quả chống COVID-19 lên tới 97,6% dựa trên 3,8 triệu người thử nghiệm. Bên cạnh Sputnik V, Nga cũng đã bào chế thành công vắc xin 1 liều có tên Sputnik Light cho hiệu quả ngừa COVID-19 đạt 79,4%.

WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, Moderna, Pfizer/BioNTech, Johnson&Johnson, Sinovac và Sinopharm.

Trên thực tế, các quốc gia tự sản xuất vắc xin COVID-19 không chờ đến khi WHO phê duyệt, mà đã chủ động tiêm cho dân trong nước trước, chẳng hạn Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc được WHO "bật đèn xanh" sẽ mở ra cơ hội cho các vắc xin tham gia cơ chế COVAX, một sáng kiến phân phối vắc xin toàn cầu. Điều này sẽ đem về uy tín và cả giá trị thương mại cho các loại vắc xin được phê duyệt.

Vắc xin Sputnik V được đăng ký và cấp phép tại Nga vào đầu tháng 8-2020 khi vẫn chưa hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Sự kiện này khiến Nga đối mặt một số chỉ trích và nghi ngờ về tính minh bạch, độ hiệu quả của vắc xin do thời gian phát triển quá ngắn.

Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, đã có hơn 500 triệu liều vắc xin Sputnik V được đặt hàng trên toàn thế giới.

Nhu cầu vắc xin Sputnik V tăng vọt, Nga phải nhờ Trung Quốc giúp Nhu cầu vắc xin Sputnik V tăng vọt, Nga phải nhờ Trung Quốc giúp

TTO - Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói rằng nhu cầu đối với vắc xin Sputnik V đã vượt đáng kể năng lực sản xuất trong nước của Nga. Họ đang nhờ công ty Trung Quốc và các nước khác để tăng tốc sản xuất.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên