TTCT - Điều không ít người lo ngại đã thành sự thật khi những nhóm thanh thiếu niên tự tiến hành cuộc “thanh lọc Nga” tại Matxcơva và Saint Petersburg sau sự cố chợ Matveyevski! Phóng to Cảnh sát Nga yêu cầu một thành viên tham gia hoạt động “thanh lọc Nga” ở ga tàu điện Vodnyi giải tán - Ảnh: Hành Tinh Nga Theo ghi nhận của các báo Nga trong ngày 6-8, tức một tuần sau sự cố tại chợ Matveyevski (ngày 27-7, những người buôn bán gốc Dagestan tại chợ này xô xát với cảnh sát làm một sĩ quan bị chấn thương đầu), các thành viên phong trào “Người Nga” ở Matxcơva đã tiến hành cái gọi là “thanh lọc Nga”: xét hỏi giấy tờ hàng hóa và giấy phép mua bán của người di trú tại các chợ Matxcơva. Nhóm này - theo tường thuật của tờ Hành Tinh Nga - chủ yếu gồm các học sinh và sinh viên những năm đầu đại học, đã tụ tập tại ga tàu điện ngầm Vodnyi để cùng đến chợ, nhưng đã bị cảnh sát đặc biệt Nga ngăn chặn khiến họ không thể thực hiện kế hoạch. Còn tại Saint Petersburg, theo ghi nhận của Kommersant, các vụ xét hỏi giấy tờ như thế đã diễn ra tại một vài chợ. Không còn được chào đón “Thanh lọc Nga” bắt đầu “nổi tiếng” trong số những nhóm thanh thiếu niên có tinh thần dân tộc từ các hoạt động hôm 26-7 tại Saint Petersburg. Hôm đó, những thanh niên này đã yêu cầu những người buôn bán tại các chợ trình giấy tờ, và không đợi họ đáp ứng đã nhổ lều buôn của họ. Trang web newsmsk.com (1) kể: “Trong ba ngày, hàng chục điểm buôn bán như thế đã bị phá ở Saint Petersburg, ẩu đả căng thẳng đến nỗi có nơi suýt dùng tới vũ khí. Tại thủ đô, việc phi kỳ thị hóa phải nhờ tới các lực lượng cảnh sát và viên chức nhà nước”. Trang web Bộ Nội vụ Nga thông báo khoảng 20 người đã bị bắt sau các vụ phá phách côn đồ này (2). Tháp tùng một nhóm mang tên “Lá chắn Matxcơva” trong một chuyến “thanh lọc”, nhà báo Ngọn lửa nhỏ Sergei Melnhikov đã gọi đó là “cuộc đấu tranh nhân dân” chống nạn di trú bất hợp pháp mà quy mô của nó đang lan ra khỏi các chợ Nga. Họ đã đột kích vào tầng hầm một khu nhà mà cư dân ở đây từng báo cảnh sát có người nhập cư lậu nhưng không được nhà chức trách đoái hoài. Kết quả, các “nhà hoạt động công dân” phát hiện bảy người nhập cư lậu người Uzbekistan... Sau các vụ “thanh lọc” như thế của nhóm “Lá chắn”, tổng cộng 250 người nhập cư đã bị giao cho Sở Nội vụ, đa số bị phạt, bảy người bị trục xuất”. Người đứng đầu “Lá chắn” là Alexei Khudyakov, 26 tuổi, cho biết đã kêu gọi các thành viên của nhóm “vũ trang bằng roi điện để tự vệ nhưng không được chủ động đánh, không được khiêu khích, không lấy đồ đạc, bởi chúng ta không phải là những kẻ cực đoan và ăn cắp”, mà chỉ hỗ trợ thừa hành pháp luật (!) (3). Sau “Lá chắn”, một nhóm chủ trương dân tộc khác “RosPriton” - có trang mạng xã hội với 1.700 thành viên - tuyên bố mở một hoạt động tương tự. Vì sao lại có những vụ “thanh lọc” này? Có thể chỉ trích những cuộc “đấu tranh nhân dân” tự phát và vi phạm pháp luật này, nhưng không thể không thừa nhận Nga - như một số nước châu Âu khác - đang phải đối phó với nạn di trú bất hợp pháp ngày càng tăng. Một thống kê tính đến ngày 14-12-2012 của Cục Di trú Liên bang Nga (FMC), nước Nga có khoảng 10,2 triệu người nhập cư, 80% trong số này đến từ các nước Xô viết cũ, đông nhất là người gốc Uzbekistan, Ukraine, Tajikistan, Azerbaijan, Kirgizia. Ở các nước châu Á không nằm trong khối SNG cũ, đông nhất có Trung Quốc và Việt Nam. Chỉ riêng thủ đô Matxcơva, nơi thực tế có hơn 10 triệu người sinh sống thì cũng chỉ có hơn 30% là người Nga, tức nói một cách nào đó, tại thủ đô của mình, người Nga trở thành thiểu số. Nhận định về con số nhập cư này, giám đốc FMC Konstantin Roodanovski cho rằng số người nước ngoài tới Nga “đã vượt qua quy chuẩn cho phép, đa số có trình độ học vấn thấp, không được đào tạo nghề nghiệp, thậm chí không biết nói tiếng Nga. Đa số trường hợp có cách hành xử không thích hợp, là nguyên nhân gây ra sự khó chịu cho cư dân địa phương” (4). Dễ hiểu vì sao những cuộc thăm dò nhanh cho thấy người nước ngoài không còn được chào đón ở Nga, ít ra so với thời Cộng hòa liên bang Xô viết (xem box). Thật ra mà nói, tiếng chuông báo động đầu tiên cho đợt truy quét này đã bắt đầu từ ngày 1-7, khi cảnh sát Nga tiến hành đợt tấn công tội phạm các loại - từ chứa chấp ma túy tới những kẻ trộm cắp, mà nạn nhập cư bất hợp pháp chỉ là một mũi trong chiến dịch “Vật chắn 1”. Theo ghi nhận của lenta.ru ngày 7-8, có vẻ như nhóm những nhà dân tộc trẻ nêu trên đã tham gia chiến dịch này. Thế nhưng ngày 27-7, khi cảnh sát vào chợ Matveyevski bắt giữ một người Dagestan bị tình nghi cưỡng hiếp trẻ vị thành niên, những đồng hương của ông này đã nhảy vào xô xát với cảnh sát làm một cảnh sát trọng thương. Đoạn video tấn công cảnh sát lan truyền trên mạng đã khiến dư luận xã hội phẫn nộ, cho rằng “dân nhập cư ở các chợ quá coi thường cảnh sát”, trong khi Tổng thống V. Putin giận dữ tuyên bố cảnh sát đã ăn tiền nên không dám mạnh tay khi đồng nghiệp bị hành hung. Đó là nguyên nhân cảnh sát đẩy mạnh truy quét, và kết quả, như lenta.ru chỉ ra: “Trong khi không một người Dagestan nào bị bắt, cũng logic thôi, vì họ là công dân Nga... thì bị bắt đầu tiên lại là hàng trăm người Việt sống ở Nga không có một giấy phép nào...”. Phóng to Cảnh sát đặc biệt Nga tăng cường an ninh trước một ngôi chợ ở Matxcơva sau sự cố chợ Matveyevski - Ảnh: RIA Novosti Siết chặt như thế nào? Nhân việc Matxcơva lập các trại lều cho người di trú bất hợp pháp, ngày 7-8 Trung tâm thăm dò dư luận toàn Nga đã công bố kết quả một cuộc thăm dò về vấn đề di trú bất hợp pháp. Theo đó, việc đông người nước ngoài tới Nga được xem là “một hiện tượng tiêu cực” hơn là tích cực. 53% người Nga được hỏi muốn thúc đẩy siết chặt luật nhập cư, 57% cho rằng cần đẩy mạnh hơn những quy định ngăn chặn dòng di trú từ các nước cựu cộng hòa Xô viết, các nước Nam và Đông Nam châu Á. (http://wciom.ru/index.php?id=459&uid=114341) Ngày 7-8, quyền thị trưởng Matxcơva Sergey Sobyanin tuyên bố theo ông, giải pháp hiệu quả nhất cho tình trạng di trú bất hợp pháp ở Nga là đưa khỏi nước Nga những người vi phạm pháp luật và cấm họ trở lại đây. Trong hai năm qua, Nga đã dẹp hết 30 ngôi chợ, hơn 140.000 người di trú bất hợp pháp đã bị trục xuất. Hơn 300 vụ án liên quan tới di trú bất hợp pháp đang được khởi tố... Và khi Sergey Sobyanin khẳng định: “1/2 tội ác trong thành phố là do những người nhập cư bất hợp pháp thực hiện”, có thể thấy không có con đường sáng hơn cho những lao động chui tại thủ đô Nga. Mặt khác, Nga cũng đang tiến hành siết chặt các điều luật nhập cư. Hiện FMC đang thực hiện một kế hoạch mới với 10 điều khoản chính, được tờ Kommersant giới thiệu (5). Đầu tiên là việc áp dụng thống nhất trên toàn quốc một loại thẻ tùy thân mới, liên kết các thông số của hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, sổ hưu trí, thẻ tín dụng và hộ khẩu. Các thẻ này sẽ giúp nhận biết những người nhập cư hợp pháp hay không. Người nhập cư sẽ được chia thành hai nhóm: nhóm “có ích” (trình độ đại học hoặc hơn, làm những công việc trí tuệ) và nhóm lao động tay chân. Việc chấm điểm người nhập cư thuộc nhóm nào sẽ căn cứ vào trình độ, kỹ năng xã hội và hệ thống thang điểm này đang được soạn thảo. Xem lại hạn ngạch cho các chủ thuê nhân công: để nhận được giấy phép mời người nước ngoài tới làm việc, các chủ thuê cần nộp đơn ít nhất trước chín tháng. Nga sẽ áp dụng cách thức của các nước phương Tây, yêu cầu chủ thuê nhân công phải cân nhắc hết các ứng viên trong nước trước khi nhập lao động nước ngoài. Hệ thống vân tay: từ tháng 5-2013, những người nhập cư được quyền vào Nga không cần visa, phải trải qua thủ tục kiểm tra dấu vân tay khi qua cửa khẩu. Theo Cục Di trú, đây là cách duy nhất để kiểm tra việc đi lại của người nhập cư cũng như theo dõi những vi phạm của họ, một biện pháp đã được Mỹ và EU thực hiện từ lâu. Việc thi tiếng Nga cũng sẽ được áp dụng để kiểm tra mức độ thông thạo ngoại ngữ của người nhập cư. Có thể thấy rõ quyết tâm của người Nga giải quyết tình trạng di trú bất hợp pháp khi trong kế hoạch này có điều khoản xây dựng những trung tâm cho người nhập cư lậu tạm trú trong khi chờ kiểm tra hoặc trục xuất (mà ta đang thấy qua dạng những “thành phố lều”, dù kinh nghiệm cho thấy những trung tâm như vậy ở châu Âu có thể hoạt động không hiệu quả như trung tâm được xây ở Sicily đã phải đóng cửa sau một cuộc nổi loạn, và cuối cùng Ý cũng không thể gửi ngược người nhập cư bất hợp pháp trở lại Libya!). Một trong những hiệu chỉnh mới là quyền tạm giữ những người nhập cư lâu hơn thời hạn 48 tiếng: trước kia, nếu cảnh sát chỉ có quyền câu lưu 48 tiếng những người bị xét hỏi mà không trình được giấy tờ hợp lệ, thì từ tháng 5-2013 luật Nga cho phép cảnh sát tạm giữ lâu hơn. Ngoài ra, những người tổ chức nhập cư bất hợp pháp cũng sẽ bị xử nặng hơn trước. Việc chuyển hướng dòng người nhập cư sang những khu vực khác như Viễn Đông và vùng Balkan cũng đang được Matxcơva cân nhắc, theo kinh nghiệm của Úc khi chuyển những người di trú lậu sang làm việc tại các hòn đảo hẻo lánh Thái Bình Dương. Cuối cùng, trong 10 điều khoản siết chặt luật di trú, đây là điều khoản tích cực nhất: với những ai đã ổn định cuộc sống ở Nga, một gói chương trình thích nghi và hòa nhập cho họ và gia đình sẽ được thực hiện, giúp họ thoát khỏi tình trạng bị cách ly khiến có thể trở thành chỗ dựa cho các biểu hiện cực đoan. ___________ (1): http://www.newsmsk.com/article/05Aug2013/russ_zachist.html(2): http://78.mvd.ru/news/item/1130257/(3): http://www.kommersant.ru/doc/2243734(4): http://evraziya.com/evrazia/556-kolichestvo-immigrantov-jelayuschih-popast-v-rossiyu-prodoljaet-rasti.htm(5): http://www.kommersant.ru/doc/2234975 Tags: NgaTị nạnNhập cưLuật di trúChợ MatveyevskiNgười di trú
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Hàng ngàn người dân xếp hàng xem triển lãm quốc phòng quốc tế HÀ QUÂN 21/12/2024 Sáng 21-12, tại sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội, hàng ngàn người dân xếp hàng từ sớm, có người phải đi từ 5h, 6h sáng để có chỗ xem tốt.
Trường đại học 'đua' đạt chuẩn tiến sĩ MINH GIẢNG 21/12/2024 Đưa ra chính sách thu hút tiến sĩ, buộc giảng viên làm nghiên cứu sinh... là các giải pháp mà nhiều trường đại học đang 'đua' để đạt chuẩn.
Lừa đảo đang nhắm người lớn tuổi có nhiều tiền ĐỨC THIỆN 21/12/2024 Những kẻ lừa đảo đang nhắm đến người lớn tuổi bằng những chiêu lừa khá đơn giản, thậm chí không hề mới.
Vụ chồng bị khởi tố vì ném hỏng điện thoại của vợ: Điện thoại là tài sản chung hay riêng? TUYẾT MAI 21/12/2024 Vụ việc ông Lê Văn Tuấn bị khởi tố về hành vi hủy hoại tài sản khi ném hỏng chiếc điện thoại của vợ đang được nhiều người quan tâm.