Một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 tại Matxcơva hồi giữa tháng 6-2020 - Ảnh: TASS
Loại vắcxin triển vọng này đã trải qua hai giai đoạn thử nghiệm và theo ông Kirill Dmitriev - người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), dự kiến sẽ được đăng ký với Bộ Y tế Nga vào ngày 14-8. RDIF sẽ tham gia phát triển, sản xuất loại vắcxin này cùng Viện miễn dịch học và vi trùng học Gamaleya chung với Tập đoàn Sistema của Nga.
Mục tiêu tháng 9 có vắcxin
"Chúng tôi có những quy trình thủ tục rất nghiêm khắc và họ sẽ phải tuân thủ tất cả những điều đó" - báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời ông Dmitriev. "Tôi rất tin tưởng vào loại vắcxin mà tôi đã tiêm cho chính mình" - ông nói thêm.
Loại vắcxin mà ông Dmitriev nói tới là một trong hai loại vắcxin triển vọng nhất đang được phát triển tại Nga. Nó đã được thử nghiệm trên các tình nguyện viên là những quân nhân thời gian qua. Còn một loại vắcxin thứ hai nữa đang được Trung tâm nghiên cứu Vector tại Matxcơva phát triển và cũng trong lộ trình hướng tới kế hoạch sản xuất hàng loạt vào tháng 10 năm nay.
Theo ông Dmitriev, RDIF đã thảo luận với nhiều nước tại Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông và châu Á về việc chuyển giao công nghệ để loại vắcxin triển vọng của Nga có thể được sản xuất tại những nơi khác. Ông cũng nói các dữ liệu lâm sàng liên quan tới vắcxin này sẽ được công khai vào đầu tháng 8.
Tại Nga, việc đăng ký một loại thuốc mới lên Bộ Y tế để được phê chuẩn độ an toàn cũng như cấp phép sử dụng cho mục đích y học là bước quan trọng nhất. Thủ tục này tương đương như việc các hãng dược nộp hồ sơ lên Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) xin phê chuẩn các loại thuốc.
Sau khi đăng ký với Bộ Y tế Nga, vắcxin này sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba, song song với đó nó cũng được thử nghiệm trên các tình nguyện viên chính là các nhân viên y tế Nga. Hãng tin Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết việc sản xuất vắcxin để phục vụ nhu cầu cộng đồng dự kiến bắt đầu trong tháng 9.
Ông Dmitriev lưu ý vắcxin ngừa COVID-19 sẽ được đăng ký có điều kiện với Bộ Y tế, điều này có nghĩa nó có thể bị thu hồi nếu các thử nghiệm sau đó cho thấy có những nguy cơ với sức khỏe con người.
Chia sẻ với báo Russian Gazeta của Nga, ông Alexander Gintsburg - giám đốc Viện Gamaleya - cho biết trong vòng thử nghiệm đầu tiên họ không ghi nhận các tác dụng phụ của vắcxin ngoài những triệu chứng như cảm lạnh và mẩn đỏ ở chỗ tiêm.
100 vắcxin tiềm năng
Trước đây Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định Nga sẽ có một vắcxin ngừa COVID-19 được đăng ký trước tháng 9 năm nay, nhiều chuyên gia y tế thế giới đã bày tỏ ngờ vực về tiến độ bào chế vắcxin "thần tốc" đó.
Giới khoa học quốc tế, trong đó có quan điểm của ông Anthony Fauci - chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Chính phủ Mỹ - vẫn cho rằng cần phải mất từ một năm cho tới 18 tháng để có thể bào chế an toàn một vắcxin.
Theo báo WSJ, toàn thế giới hiện có hơn 100 vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng đang được nghiên cứu, phát triển, trong đó hơn 10 loại được đưa vào thử nghiệm, một số loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Các chương trình thử nghiệm vắcxin quy mô lớn đã được triển khai tại Mỹ và Anh song tới nay vẫn chưa loại nào được chứng minh an toàn, hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19.
Trong cuộc chạy đua và dốc sức tìm kiếm vắcxin ngừa COVID-19, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga có những cách tiếp cận không giống nhau. EU ủng hộ cách tiếp cận đa phương, cho rằng mọi tài sản trí tuệ liên quan bất cứ loại vắcxin nào cũng nên được chia sẻ toàn cầu. Chính quyền Mỹ ủng hộ cách tiếp cận riêng, cho tới nay đã đầu tư hơn 2 tỉ USD cho các hãng dược ở cả Mỹ và châu Âu nhằm đảm bảo những thành tựu y học dù ở nước ngoài cũng sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ.
Trong khi đó Nga chủ động phát huy nguồn lực trong nước, tập trung đầu tư cho các công ty tư nhân và nhà nước tham gia phát triển, sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 trong suốt nhiều tháng qua.
Liên quan tới công tác bào chế vắcxin ngừa COVID-19, Matxcơva trong tháng trước cũng đã đối mặt với những chỉ trích của phương Tây khi Anh, Mỹ và Canada cáo buộc tin tặc Nga tấn công hệ thống mạng của các viện nghiên cứu quốc tế để đánh cắp thông tin về vắcxin ngừa COVID-19.
Đã từng là nước đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm virus corona, hiện tại Nga là nước đứng thứ tư với hơn 834.000 ca, trong đó có hơn 13.800 người chết.
Tuần tới FDA cấp phép dùng huyết tương điều trị khẩn cấp COVID-19?
Báo WSJ dẫn nguồn tin riêng cho biết FDA dự kiến trong tuần tới sẽ cấp phép dùng huyết tương của những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh (chứa nhiều kháng thể) điều trị cho người nhiễm virus corona trong những tình huống khẩn cấp.
Như vậy, nếu được FDA phê chuẩn, huyết tương người đã khỏi COVID-19 sẽ là một trong những liệu pháp điều trị COVID-19 đầu tiên được chấp thuận ở Mỹ, mở đường cho việc tiếp cận nhanh hơn, rộng hơn với phương pháp điều trị hứa hẹn này. Việc FDA phê chuẩn cũng sẽ giúp các quan chức phụ trách chính sách y tế liên bang Mỹ chấp thuận cho các chương trình bảo hiểm Medicare và Medicaid chi trả khoản phí điều trị này.
Hơn 48.000 người bệnh COVID-19 ở Mỹ đã được điều trị bằng huyết tương của người khỏi bệnh thông qua chương trình tiếp cận mở rộng do FDA tài trợ, nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu đánh giá độ an toàn của liệu pháp này.
Theo trang Worldometers, tính tới 17h chiều 30-7 giờ Việt Nam, nước Mỹ đã có 4.568.375 người mắc COVID-19, trong đó 153.845 người đã chết và 2.245.521 người đã khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận