Nga: Răn đe hạt nhân

THANH TUẤN 30/03/2015 23:03 GMT+7

Nội chiến Ukraine được coi là điểm nóng căng thẳng nhất giữa Mỹ và Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cùng lúc đó, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa hai nước đang tăng tốc trở lại. TTCT giới thiệu kỳ cuối của Hồ sơ Chạy đua vũ khí (khởi đăng từ ngày15-3-2015.)

Tàu ngầm hạt nhân Yekaterinburg ở căn cứ hải quân Gadzhiyevo tại vùng Murmansk (Nga) - Ảnh: Reuters

Ngay khi Giáng sinh 2014 vừa kết thúc, trong dấu hiệu căng thẳng, quân đội Mỹ cho thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm JLENS trên bầu trời thủ đô Washington. Hệ thống JLENS này chuyên được dùng để phát hiện các tên lửa hành trình đang bắn tới.

Bộ chỉ huy không gian Bắc Mỹ (NORAD) không nói chi tiết các mối đe dọa nhưng việc triển khai được tiến hành chín tháng sau khi tướng Charles Jacoby, tư lệnh NORAD, thừa nhận Lầu Năm Góc đang đối mặt với “thách thức nghiêm trọng” khi đối phó với các tên lửa hành trình tấn công - ý đặc biệt nói về các tên lửa tấn công từ tàu ngầm của Nga.

Các báo cáo quân sự của phương Tây gần đây liên tiếp phản ánh tàu ngầm Nga xuất hiện ngày càng nhiều ở Đại Tây Dương và nhắm tới bờ Đông của Mỹ.

Căng thẳng leo thang trong bối cảnh kiểm soát chạy đua vũ khí hiện không còn được coi là ưu tiên hàng đầu. Số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga thực tế tăng trong năm ngoái và cả hai nước đang chi hàng tỉ USD mỗi năm để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa có lối thoát còn kinh tế sa sút vì các lệnh cấm vận, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng nhấn mạnh đến vũ khí hạt nhân như là cán cân bảo đảm và là biểu tượng ảnh hưởng của Nga.

Trong một thông điệp về tình hình Ukraine hồi mùa hè 2014, ông Putin nhắc lại lần nữa về sức mạnh hạt nhân của Nga và nói các nước khác “nên hiểu tốt nhất là không nên đùa với chúng tôi”. Đến tháng 11-2014, Pravda có bài viết “Nước Nga chuẩn bị cú đòn hạt nhân bất ngờ cho NATO”, trong đó nói Nga vượt trội hơn phương Tây về vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Một thực tế là cả Mỹ và Nga đều đang đẩy nhanh nâng cấp kho vũ khí hạt nhân. Với Nga, đó là sự triển khai trở lại các đoàn tàu hạt nhân cũng như tăng một loạt tên lửa hạt nhân trên các tàu ngầm như tên lửa Bulava.

TRIỂN KHAI LẠI TÀU LỬA HẠT NHÂN

Ảnh tư liệu tàu lửa hạt nhân thời Liên Xô - Ảnh: Foxtrot Alpha

Tháng 11-2014, Nga thông báo về việc triển khai trở lại các đoàn tàu lửa hạt nhân cho phép lắp đặt các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên hệ thống tàu lửa. Russia Today (RT) trích các nguồn tin quốc phòng nói đoàn tàu chiến lược hạt nhân Barguzin này dự kiến có thể đi vào hoạt động trong năm năm tới. Theo RT, sẽ có ít nhất năm đoàn tàu với mỗi đoàn tàu có sáu tên lửa đạn đạo RS-24 Yars.

Các tàu lửa hạt nhân này được dùng để vận chuyển và phóng tên lửa đạn đạo chiến lược. Giống các tàu ngầm hạt nhân, ưu thế của tàu lửa hạt nhân là linh động và rất khó cho đối phương có thể dùng đòn phủ đầu để triệt hạ - các tàu lửa này có bề ngoài giống như các tàu chở hàng thông thường.

Trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô từng duy trì 12 đoàn tàu như thế này, mỗi tàu khi đó có ba tên lửa RT-23 Molodets, nhưng sau đó các đoàn tàu được giải nghệ sau Hiệp ước START-2 vào năm 1993. Tuy vậy, Hiệp ước New START mới không còn cấm các đoàn tàu này nữa và đây là lý do để Nga phục hồi các tàu lửa hạt nhân.

RT nói động thái của Nga là để đối phó dự án tấn công tức thời toàn cầu (CPGS) của Mỹ, cho phép tấn công bất cứ vị trí nào trên toàn cầu chỉ trong vòng một tiếng.

Giống như các đoàn tàu trước kia, tàu Barguzin có thể được hóa trang như các toa đông lạnh. Việc này càng dễ dàng hơn khi các tên lửa Yars hiện tại chỉ nặng bằng nửa tên lửa Molodets trước kia. Ngoài ra, tên lửa Yars còn có tầm bắn và độ chính xác lớn hơn tên lửa Molodets rất nhiều. Ngoài hệ thống tàu hạt nhân, hệ thống tên lửa mới nhất của Nga có tên RS-26 dự kiến sớm đi vào triển khai trong năm 2016.

SÁT THỦ RS-26

Theo tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược, tướng Sergey Karakayev, RS-26 là tên lửa dùng nhiên liệu rắn và hệ thống đầu đạn hạt nhân tách rời hiện đại. Đây được coi là sát thủ của các hệ thống phòng thủ tên lửa. Phó thủ tướng phụ trách quốc phòng Dmitry Rogozin nói: “Không hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay hay tương lai của Mỹ có thể cản được tên lửa này”.

Theo RIA Novosti, loại tên lửa mới đã được thử nghiệm ít nhất bốn lần với ba lần thành công. Cho đến nay, tên lửa RS-26 vẫn chưa được trình diện công khai. Theo Military Today, tên lửa này có chiều dài khoảng 12m và trọng lượng khoảng 36 tấn. Khi bắn thử vào năm 2012, tên lửa này có tầm bắn khoảng 5.800km.

Ngoài tên lửa này, tên lửa đạn đạo hạng nặng Sarmat cũng sẽ được Nga sớm hoàn tất vào năm 2020. Tên lửa Sarmat có trọng lượng khoảng 100 tấn và phạm vi hoạt động khoảng 5.500km, được coi là vũ khí thay thế tên lửa xuyên lục địa SS-18 hiện nay.

Ngoài ra, phương Tây cũng lo ngại việc Nga đang quảng bá về tên lửa hành trình có tên Club-K cùng với bệ phóng mà có thể cất giấu dễ dàng trong các thùng container chở hàng thông thường. Với các hệ thống như thế này, việc phát hiện sẽ trở nên cực khó và chỉ có thể biết khi tên lửa được bắn khỏi bệ phóng.

Với thiết kế đặc biệt, tên lửa hành trình có thể né được hệ thống rađa bảo vệ và tấn công các mục tiêu chiến lược mà rất khó phát hiện. Việc phát triển các tên lửa hiện đại này vì vậy khiến các bên rất lo ngại về khả năng tấn công phủ đầu bất ngờ.

Chính quyền Obama đã chỉ trích các phát triển này là vi phạm thỏa thuận về lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà hai bên ký từ năm 1987 - thời điểm Mỹ và Liên Xô chấm dứt cuộc chạy đua, đối đầu nảy lửa về vũ khí ở châu Âu khi đó.

Thứ trưởng ngoại giao Gottemoeller khi đó nói tên lửa hành trình mới của Nga - bà không nêu tên trực tiếp nhưng được cho là loại tên lửa Islander-K với tầm bắn lên đến 5.500km (tầm bắn bị cấm theo INF) - có vẻ như đã sẵn sàng cho việc triển khai.

Nhưng phía Nga đến giờ vẫn bác bỏ sự tồn tại của các loại tên lửa này, đồng thời phản pháo chính Washington đang vi phạm INF. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Brian McKeon cho biết Lầu Năm Góc đang tính tới một loạt phương án quân sự để đối phó với tên lửa mới của Nga, trong đó có việc triển khai các vũ khí tương đương của Mỹ.

Ngoài tên lửa, quân đội Mỹ cũng dè chừng với sự trở lại của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Nga. Matxcơva đang xây dựng thế hệ tàu ngầm hạt nhân lớn mới với các tên lửa đạn đạo - còn được gọi là tàu “boomers”. Các tàu này được coi là tương đương hoặc mạnh hơn cả tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, đặc biệt về khả năng hoạt động và tàng hình.

Đây là thay đổi rất khác của Nga nếu so với năm 2002, khi hải quân nước này hoàn toàn không thể triển khai tàu ngầm đi tuần. Giờ các chuyến tàu của Nga đang tăng cường hơn nữa các chuyến tuần tra trên toàn cầu. Báo chí Mỹ đã vài lần đưa tin về việc tàu ngầm Nga tiếp cận khu vực bờ Đông của nước Mỹ - thông tin này đến giờ quân đội Mỹ vẫn bác bỏ.

Nhưng năm 2014, tướng Jacoby thừa nhận những khó khăn nếu phải đối đầu với các tên lửa hành trình và các loại tàu ngầm hạt nhân hiện đại mới của Nga. “Họ đã phát triển lớp tàu ngầm hạt nhân mới đặc biệt dùng để triển khai tên lửa hành trình” - ông Jacoby nói trước Quốc hội Mỹ.

Peter Roberts, người từng là sĩ quan chỉ huy hải quân Anh và là quan chức liên lạc với lực lượng tình báo và hải quân Mỹ, nói các chuyến đi xuyên Đại Tây Dương của tàu ngầm tấn công lớp Akula của Nga giờ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. “Người Mỹ thường chối về chuyện họ lo ngại như khả năng theo dõi các tàu ngầm này. Kỹ thuật theo dõi các tàu ngầm của họ đã giảm đặc biệt khi chúng ta chỉ chú ý vào các chiến dịch trên đất liền, ở Afghanistan và các nơi khác” - ông nói.

Ngoài tàu ngầm lớp Akula, Nga còn có tàu ngầm tàng hình hiện đại hơn là tàu ngầm lớp Yasen. Cả hai loại tàu ngầm này có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau: truy lùng và tiêu diệt các tàu ngầm đối thủ, tấn công các hạm đội tàu sân bay. Cả hai đều được trang bị tên lửa hành trình chống các mục tiêu trên bộ như tên lửa Granat có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Sau các thỏa thuận hồi năm 1991, cả Nga và Mỹ đã rút các tên lửa hành trình hạt nhân ra khỏi tàu ngầm của họ. Theo thỏa thuận START về giảm vũ khí hạt nhân chiến lược cùng năm, hai bên đồng ý trao đổi thông tin về các tên lửa hành trình hạt nhân được triển khai trên biển.

Nhưng đến Hiệp ước New START ký năm 2010 giữa ông Obama và tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev, điều khoản này đã bị bỏ đi nên giờ cả hai đều không biết cụ thể bên kia đã triển khai những gì. Pavel Podvig, chuyên gia độc lập hàng đầu về lực lượng hạt nhân Nga, nói “hoàn toàn có khả năng tàu ngầm Nga có các tên lửa hành trình hạt nhân”.

Với việc cả Mỹ và Nga hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và việc Nga đặc biệt tăng cường chú trọng phát triển khả năng răn đe hạt nhân, theo ông Hans Kristensen - giám đốc dự án thông tin hạt nhân của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, chúng ta đang chứng kiến giai đoạn “cạnh tranh quân sự sâu hơn nữa”. 

NGA THÀNH LẬP MỘT DẠNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG MỚI

Một bản tin trên Interfax tháng 12-2014 dẫn một nguồn tin quân đội Nga cho biết Nga sẽ thành lập một dạng lực lượng vũ trang mới: lực lượng không quân vũ trụ (VKS), trong đó bao gồm các lực lượng phòng không và không quân, tức một phần của không quân hiện nay, cùng các lực lượng, phương tiện thông tin và tấn công.

Theo kế hoạch này, không quân sẽ không còn là một quân chủng trong các lực lượng vũ trang và trong quân đội Nga sắp tới sẽ chỉ có ba bộ tư lệnh là bộ binh, hải quân và không quân vũ trụ. Việc thành lập quân chủng mới sẽ mất vài năm và trong giai đoạn hiện nay, các thành phần và phương tiện gia nhập quân chủng này sẽ phát triển theo hướng thống nhất hóa và tiêu chuẩn hóa các hệ thống quản lý thông tin và tấn công.

Thành phần binh chủng mới bao gồm các hệ thống thông tin tình báo và cảnh báo các cuộc tấn công không gian vũ trụ; hệ thống tiêu diệt và trấn áp các lực lượng, phương tiện tấn công không gian vũ trụ của đối phương; một hệ thống quản lý thống nhất...    

(http://www.interfax.ru/russia/412135)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận