Binh sĩ Syria trên xe tăng ở tỉnh Hama trước lúc chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công - Ảnh: AFP |
Truyền thông Syria dẫn lời tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Ali Abdullah Ayoub cho biết mục tiêu của chiến dịch này là giành lại các thành phố và làng mạc, những nơi chịu đau thương vì khủng bố.
Các nguồn tin khác cũng cho biết quân đội Chính phủ Syria và các chiến binh liên minh được Nga hậu thuẫn không kích đã bắt đầu một cuộc phản công nhằm vào lực lượng nổi dậy ở Ghab Plain, phía tây Syria hôm 8-10.
Theo Reuters, lực lượng nổi dậy đã chiếm khu vực này hồi tháng 7 và củng cố lực lượng, gây ra mối đe dọa cho vùng duyên hải trọng yếu đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo AFP, tướng Ayoub cho biết thêm các cuộc không kích của Nga đã làm IS và các nhóm khác yếu đi, đồng thời tăng thêm sức mạnh cho quân đội Syria.
Nga tiếp tục oanh tạc
Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh cho biết các lực lượng bộ binh Syria đã nhắm vào các vị trí mà quân nổi dậy chiếm giữ bằng loạt tên lửa đất đối đất, trong khi máy bay chiến đấu của Nga hỗ trợ oanh tạc từ trên không.
Giám đốc SOHR Rami Abdulrahman cho biết thêm cuộc phản công của quân đội Syria và các chiến binh liên minh ở tỉnh Hama hôm 7-10 đã không đem lại kết quả đáng kể.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa từ bốn tàu chiến của nước này ở biển Caspian đã bắn trúng các cơ sở hạ tầng của IS ở Syria đêm 7-10. Các cuộc oanh tạc đã đánh trúng những nhà máy sản xuất đạn pháo và các thiết bị nổ, trung tâm chỉ huy, kho đạn và trại huấn luyện.
Theo Reuters, các cuộc không kích của Nga bắt đầu hồi tuần trước chủ yếu nhằm vào những khu vực ở phía tây Syria, nơi chính quyền Assad đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát sau khi để mất nhiều khu vực khác vào tay các nhóm phiến loạn, bao gồm cả IS.
Nga nói đang đánh IS và bản thân nhóm này hứng một số cuộc oanh tạc, nhưng giới quan sát lại cho rằng IS không có căn cứ ở các khu vực phía tây Syria, nơi trở thành mục tiêu các cuộc tấn công hôm 7 và 8-10.
Reuters dẫn nguồn tin từ nhóm phiến quân Ajnad al-Sham nói đây không phải lần đầu tiên máy bay Nga giội bom khu vực này, nhưng lần này là ác liệt nhất.
“Chính quyền Syria đang nỗ lực giành lợi thế nhưng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát của chúng tôi” - nguồn tin từ Ajnad al-Sham nói.
NATO sẵn sàng điều binh
Hôm qua, trước tình hình Nga gia tăng không kích, khối NATO đã lên tiếng rằng sẵn sàng điều quân tới Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa ở khu vực phía nam, sau khi có các cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và có hành vi khiêu khích.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “NATO đã sẵn sàng và có khả năng bảo vệ tất cả đồng minh, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, trước bất kỳ mối đe dọa nào. NATO đã phản ứng bằng cách tăng cường khả năng, quân số và sự chuẩn bị để triển khai lực lượng cho khu vực phía nam, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trong khi Mỹ loại bỏ khả năng hợp tác quân sự với Nga ở Syria, các bộ trưởng quốc phòng khối NATO sẽ thảo luận giải pháp khuyến khích Nga giúp giải quyết cuộc khủng hoảng và cho rằng Nga cũng không muốn sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài.
“Sẽ phải có một giải pháp chính trị, một sự chuyển tiếp” - ông Stoltenberg giải thích.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố: “Nga đang làm tình hình vốn rất nghiêm trọng ở Syria trở nên nguy hiểm hơn”. Ông Fallon kêu gọi Matxcơva sử dụng ảnh hưởng của mình để chấm dứt ném bom vào thường dân.
Theo giới quan sát, hiện rạn nứt giữa các thành viên ở phía đông NATO, những nước muốn tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những nước muốn đánh IS, có thể sẽ làm cản trở một phản ứng thống nhất của khối.
Đại sứ Anh tại NATO Adam Thomson đã lên tiếng trước cuộc họp của các bộ trưởng NATO: “Thế giới đang thay đổi và NATO cần phát triển khả năng phản ứng với nhiều vấn đề cùng lúc”.
Thổ Nhĩ Kỳ dọa cắt hợp đồng với Nga Sau việc máy bay Nga thâm nhập không phận, phía Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra bực dọc. Tổng thống Tayyip Erdogan giận dữ: “Chúng tôi không thể chấp nhận tình hình hiện tại. Lời giải thích của Nga về việc vi phạm không phận là không thuyết phục”. Theo AFP, ông lên tiếng với Matxcơva rằng vẫn còn những nơi khác mà Ankara có thể nhập khí đốt và có những nước khác xây nhà máy điện hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ. “Có nhiều vấn đề để Nga suy nghĩ lại. Nếu Nga không xây Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu thì cũng có nước khác đến và xây nó - ông quả quyết - Chúng tôi là khách hàng dùng khí đốt số 1 của Nga. Mất thị trường Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một tổn thất nghiêm trọng đối với Nga”. Theo Reuters, Nga cung ứng 28 - 30 tỉ m3 trong số 50 tỉ m3 khí đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ phải nhập. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận