Ngày 19-4, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine phá hoại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen bằng cách đòi hối lộ từ các chủ tàu để đăng ký tàu mới và thực hiện các cuộc kiểm tra dưới vỏ bọc của thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
'Đòi hối lộ'?
Theo Hãng tin Reuters, hiện Matxcơva chưa đưa ra bằng chứng để chứng minh cho khẳng định của mình, phía Ukraine cũng chưa bình luận về cáo buộc từ phía Nga.
Không lâu sau tuyên bố từ phía Nga, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky thông báo các cuộc đàm phán về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine tại Biển Đen vẫn đang tiếp diễn.
Ông Solsky cho rằng họ cần thêm thời gian để xem mọi việc sẽ tiến triển thế nào. Trước đó, phía Ukraine cũng đổ lỗi cho Matxcơva về các vấn đề ảnh hưởng tới thỏa thuận ngũ cốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Trung tâm điều phối chung (JCC) ở Istanbul, nơi giám sát thỏa thuận, đang gặp khó khăn trong việc đăng ký và kiểm tra các tàu mới.
Trong cùng một tuyên bố, bà Zakharova cáo buộc Ukraine "cố gắng khai thác 'sáng kiến Biển Đen' càng nhiều càng tốt, không kiềm chế việc lạm dụng các quy tắc thủ tục hoặc đòi hối lộ từ các chủ tàu. Tất cả chỉ vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận thương mại".
Theo bà Zakharova, các chủ tàu được cho từ chối hối lộ cho Ukraine buộc phải đợi hơn một tháng để đăng ký.
Ngoài ra, bà Zakharova còn cáo buộc các đại diện Ukraine đã "tỏ ra thù địch" đối với các đề xuất của Nga về việc bổ sung tàu chở ngũ cốc đến các nước châu Phi. Bà cho rằng phía Ukraine đã dừng các cuộc kiểm tra với 27 tàu chở 1,2 triệu tấn hàng hóa sau đó.
"Tính toán rất đơn giản - khởi động một bộ máy tuyên truyền với sự giúp đỡ của người phương Tây và Liên Hiệp Quốc, một lần nữa họ lại 'chơi lá bài thực phẩm'", bà Zakharova nói.
Hoạt động kiểm tra tàu đã nối lại
Ngày 19-4, Phó thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết việc kiểm tra các tàu theo thỏa thuận ngũ cốc đã được nối lại.
Hãng thông tấn Nga RIA cũng cho biết các cuộc thanh tra đã được nối lại sau hai ngày đàm phán, trích dẫn từ văn phòng báo chí của điều phối viên Liên Hiệp Quốc.
Cả Nga và Ukraine đều cho rằng thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái có nguy cơ sụp đổ. Gần đây, Ba Lan, Hungary và Slovakia đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận sau ngày 18-5, trừ khi phương Tây đồng ý dỡ bỏ một loạt hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm mà Matxcơva cho là đang cản trở xuất khẩu nông sản của mình.
Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp quan trọng của thế giới. Hai quốc gia này cũng là các nhà cung cấp chính trên thị trường ngũ cốc thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận