Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral - Ảnh: AFP
Hợp đồng đóng 12 tàu ngầm thông thường giữa Pháp và Úc đã đổ vỡ sau khi Úc bắt tay với Mỹ và Anh tạo ra cơ chế hợp tác an ninh mới có tên AUKUS ngày 16-9.
Theo khuôn khổ này, Úc sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân và từ bỏ kế hoạch mua tàu ngầm thông thường.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã thể hiện sự thất vọng, cho rằng việc phá vỡ hợp đồng đã làm suy yếu lòng tin của Pháp với Úc, Mỹ.
Ông Le Drian cũng nói ông "tức giận" trước tình hình hiện tại, gọi đây là "nhát dao sau lưng Pháp", cho rằng các nước đồng minh không nên hành xử như vậy.
Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova đã tỏ ra ngạc nhiên trước các phát ngôn của ông Le Drian.
"Sự tức giận và cay đắng đến từ đâu? Việc phá vỡ hợp đồng đối với Pháp dường như là chuyện thường tình. Năm 2015, Paris đã hủy bỏ thỏa thuận bán cho Matxcơva 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral", bà Zakharova nhắc lại chuyện cũ trên kênh Telegram có gần 53.000 người theo dõi.
Nga và Pháp chốt hợp đồng trị giá 1,2 tỉ euro để đóng 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral vào tháng 6-2011, dự kiến chiếc đầu tiên chuyển giao vào tháng 11-2014.
Tuy nhiên, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và kéo theo đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây, Pháp đã quyết định hủy hợp đồng với Nga năm 2015.
Hai tàu Mistral sau đó được bán cho Ai Cập và Pháp cũng chấp nhận trả lại Nga gần 950 triệu euro, theo Tass.
Việc thành lập AUKUS đã khiến Pháp tức giận một phần vì mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hơn 40 tỉ USD, theo Hãng tin Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cố gắng xoa dịu sự thất vọng của Paris và mô tả Pháp vẫn là một đối tác quan trọng của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông Blinken, phía Mỹ đã liên tục liên lạc với Pháp, cả trước và sau khi AUKUS được công bố hôm 16-9.
Tuy nhiên, một quan chức Pháp giấu tên tiết lộ người Mỹ đã không thông báo cho Paris và các quan chức Pháp chỉ biết đến sự việc qua truyền thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận