Hệ thống tên lửa HIMARS khai hỏa tại địa điểm không xác định ở Ukraine - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph ngày 1-8, ông Vadim Skibitsky - phó cục trưởng Cục Tình báo quân đội Ukraine - xác nhận các quan chức tình báo nước này và Mỹ "tham vấn ở mức độ nhất định trước mỗi lần khai hỏa" tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS).
"Điều này chứng minh rằng trái với tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, Washington có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 2-8.
Cho tới nay, chính quyền ông Biden đã chuyển giao cho Ukraine 12 tổ hợp HIMARS và cam kết cung cấp thêm 4 tổ hợp nữa. Anh và Đức cũng hứa chuyển 3 hệ thống pháo phóng loạt tầm xa tương tự.
Nga cho biết chính quyền ông Biden phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu dân sự ở các khu vực do lực lượng Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, Nga và phương Tây nhận định về cuộc xung đột ở Ukraine rất khác nhau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là "hoạt động quân sự đặc biệt", nhằm bảo vệ người nói tiếng Nga khỏi sự đàn áp từ những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine.
Vị tổng thống 69 tuổi của Nga ngày càng coi cuộc xung đột như cuộc chiến với phương Tây, và kết quả cuộc chiến sẽ định hình lại trật tự chính trị toàn cầu.
Kiev và các nước phương Tây cho rằng tuyên bố của ông Putin không có cơ sở và Nga không có lý do khi tiến hành hoạt động quân sự trên quốc gia có chủ quyền biên giới mà họ đã công nhận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông muốn Ukraine đánh bại Nga và đã cung cấp hàng tỉ USD vũ khí cho Kiev, nhưng các quan chức Mỹ không muốn một cuộc đối đầu trực tiếp giữa binh sĩ Mỹ và Nga.
Cả Nga và Ukraine đều không tiết lộ nhiều về thiệt hại trong cuộc xung đột. Tình báo Mỹ ước tính đến nay có khoảng 15.000 người Nga thiệt mạng ở Ukraine. Thiệt hại của Ukraine có lẽ ít hơn một chút so với con số của Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận