23/12/2016 06:55 GMT+7

​Nga – Mỹ chạy đua hạt nhân?

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Trong một dòng thông báo trên Twitter ngày 22-12, tổng thống đắc cử Donald Trump kêu gọi mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ - chỉ vài giờ sau khi ông Putin đưa một tuyên bố tương tự.

Nga - Mỹ chạy đua hạt nhân sẽ là cơn ác mộng cho thế giới - ảnh: CNN
Nga - Mỹ chạy đua hạt nhân sẽ là cơn ác mộng cho thế giới - ảnh: CNN

Theo Reuters, chỉ một thông điệp nhỏ của ông Trump nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân tỏ ra cảnh giác. Họ cho rằng nếu kho hạt nhân của Mỹ được nâng cấp sẽ gây ra căng thẳng toàn cầu.

Cụ thể, ông Trump đã viết như sau: “Nước Mỹ cần mạnh mẽ tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân cho đến khi thế giới thức tỉnh về vấn đề này”. Ông Trump không giải thích chi tiết hơn.

Không rõ động lực của ông Trump khi đưa ra dòng thông báo đó, tuy nhiên trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố Nga cần “tăng cường tiềm năng quân sự của lực lượng hạt nhân chiến lược”.

Người phát ngôn của ông Trump – Jason Miller – sau đó giải thích ông Trump có ý nói về “mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hạt nhân và nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn nó – đặc biệt đối với các tổ chức khủng bố và các chế độ bất hảo”.

“Ông Trump cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải cải thiện và hiện đại hóa khả năng răn đe của Mỹ như một phương cách duy trì hòa bình thông qua sức mạnh” – ông Miller nói.

Ông Miller cũng khẳng định ông Trump không quảng bá cho việc sử dụng vụ khí hạt nhân và đây không phải là đề xuất chính sách mới.

Nhưng một số chuyên gia tỏ ra không hài lòng. “Thật là vô trách nhiệm khi một ông tổng thống đắc cử thay đổi chính sách hạt nhân của Mỹ chỉ với 140 ký tự mà không hiểu rõ tính phức tạp của một tuyên bố kiểu “mở rộng năng lực”” – ông Daryl Kimball, giám đốc Hiệp hội kiểm soát vũ khí tại Washington, chỉ trích.

Về phần ông Putin, trong một bài diễn văn ở Matxcơva cùng ngày 22-12 cũng có nói: “Chúng ta cần tăng cường tiềm năm quân sự của lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt là các hệ thống tên lửa có khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào”>

Nếu cả ông Trump và Putin muốn mở rộng kho hạt nhân, điều này sẽ chấm dứt nỗ lực kiểm soát loại vũ khí này kể từ thời tổng thống Nixon – ông Joe Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshares, một tổ chức hoạt động chống lại việc phổ biến vụ khí hạt nhân, nhận xét.

“Không bên nào cần phải chi hàng trăm tỉ USD cho những thứ vũ khí hạt nhân mà chúng ta không cần đến” - ông Cirincione bình luận.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên