Một người đàn ông đi qua tòa nhà có bảng thông báo tỉ giá ngoại hối ở Matxcơva. Đồng rúp vẫn đang rơi tự do - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ ký luật mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó Quốc hội Mỹ đã thông qua luật này, tăng cấm vận các ngành vũ khí và dầu khí Nga.
Các biện pháp cấm vận mới chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế Nga lún sâu vào khủng hoảng. Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên tới 17%, giá đồng rúp vẫn tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục 1 USD đổi được 80 rúp trong hôm qua.
Rơi vào thế kẹt
Theo AFP, hôm nay giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ sụt thêm 1,16 USD xuống còn 54,77 USD/thùng. Dầu Brent biển Bắc ở Anh cũng giảm 71 cent xuống còn 59,3 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent hạ xuống dưới 60 USD/thùng kể từ tháng 7-2009. |
Vấn đề là giá dầu thế giới vẫn đang tiếp tục giảm mạnh. Giá dầu giảm gây áp lực khiến giá đồng rúp rơi tự do bởi nền kinh tế Nga quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu.
Các chuyên gia kinh tế cho biết với tỉ lệ lãi suất lên tới 17%, nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ suy thoái mạnh. Bởi các doanh nghiệp Nga khó có thể tìm được cơ hội kinh doanh nào đem lại lợi nhuận lớn hơn là gửi tiền vào ngân hàng. Do đó sẽ không có chuyện đầu tư cho các nhà máy và cửa hàng mới.
Nhưng Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải làm như thế bởi giá đồng rúp tiếp tục giảm đồng nghĩa với thảm họa. Các công ty Nga phải trả nợ bằng đồng USD, do đó cần đồng rúp tăng giá so với đồng USD. Các ngân hàng và công ty Nga hiện nợ nước ngoài khoảng 700 tỉ USD và phải trả ít nhất 125 tỉ USD vào cuối năm 2015.
Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Nga đang mắc kẹt trong một vòng xoáy luẩn quẩn, không có lối thoát. Giới chuyên gia cho rằng Nga chỉ thoát nạn nếu giá dầu sớm tăng vọt trở lại lên ngưỡng 95 USD/thùng. Nhưng mọi dự báo đều cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục suy yếu trong cả năm 2015.
Mới đây Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP Nga sẽ giảm gần 5% trong năm 2015. Theo báo Wall Street Journal, Viện Tài chính quốc tế (IIF) đánh giá trên thực tế hiện nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái và sự khó khăn mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.
Phương Tây cũng sẽ khó thở
Trang CNN Money nhận định việc nền kinh tế Nga khủng hoảng thực tế không phải là tin tốt lành gì với phương Tây. Các đối tác kinh tế của Nga hiện đang hết sức lo ngại. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể là nạn nhân lớn nhất. Thương mại song phương Đức - Nga năm 2013 lên tới 95,4 tỉ USD.
Do cấm vận phương Tây, xuất khẩu từ Đức sang Nga đã giảm sút và các công ty Đức phải hạn chế đầu tư vào Nga. Việc kinh tế Nga khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Đức. Tháng trước Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 và 2015 một cách đáng kể.
Phần còn lại của châu Âu cũng thiệt hại do Nga nhập khẩu rất nhiều loại hàng hóa từ châu lục này. Hồi tháng 8 Nga đã cấm nhập trái cây, rau, thịt, cá và sữa từ châu Âu. Đây là cú đòn giáng vào các nhà sản xuất châu Âu. Trong năm 2013, châu Âu xuất khẩu khoảng 15 tỉ USD thực phẩm vào Nga.
Các hãng năng lượng phương Tây như BP, Total và Exxon Mobil đều than thở cấm vận Nga ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Một số nhà sản xuất ôtô như Ford (Mỹ), Volkswagen (Đức) và Renault (Pháp) đều cho biết đồng rúp giảm giá khiến doanh số của họ ở Nga sụt giảm đáng kể.
Các nhãn hiệu lớn khác như McDonald’s, Adidas, Carlsberg, Coca-Cola… cũng đều thông báo tình trạng doanh số ở Nga sụt giảm nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận