Theo TTXVN, ông Trần Chí Thành, viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), xác nhận Liên bang Nga đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới có công suất 10MW, cũng như hoạt động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Đảm bảo đúng tiến độ
Ông Trần Chí Thành cho biết để triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, nhận thức việc xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia cần được đầu tư bài bản, lâu dài, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những phương án chuẩn bị nguồn nhân lực cho quản lý và triển khai thực hiện dự án ở các giai đoạn khác nhau. Đồng thời, bộ cũng đưa ra kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành đảm bảo an toàn, khai thác hiệu quả trung tâm sau khi đi vào hoạt động.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn.
Vì vậy, để hỗ trợ công tác thẩm tra, thẩm định cho báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Tập đoàn nhà nước về năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) tạo điều kiện để một số cán bộ Việt Nam được tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm. Rosatom cũng giúp Việt Nam trong đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.
Ngoài ra, để nghiên cứu, khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn khi trung tâm đi vào hoạt động, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân…
Đồng thời, với các đối tác Nga, viện đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường đại học nghiên cứu Bách khoa Tomsk (tháng 10-2017), Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga (MEPhI) (tháng 12-2023) trong hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử có liên quan.
Về hợp tác giữa viện và các đối tác Nga, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Trần Chí Thành cho biết thêm trước mắt, Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả cũng như tuân thủ các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về hạt nhân
Ngày 19-6, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhấn mạnh Nga coi trọng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và trong chuyển đổi năng lượng công bằng, khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch và khử carbon cho nền kinh tế.
"Nga với tư cách là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực điện 'sạch', tin cậy và ổn định. Trước hết là điện hạt nhân - được nhiều nước châu Á lựa chọn làm giải pháp thay thế các nguồn năng lượng truyền thống", ông cho biết.
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4-2023 cũng khẳng định nước này sẵn sàng tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam
Hãng tin TASS dẫn lời ông Chernyshenko nói rằng điện hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chủ quyền năng lượng của Việt Nam và giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.
"Nga sẵn sàng tham gia và hỗ trợ Việt Nam nếu Việt Nam quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất cao hay thấp", ông phát biểu trong chuyến thăm, trong đó có gặp gỡ các lãnh đạo ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân được triển khai trên cơ sở Hiệp định Liên chính phủ giữa Việt Nam và Nga về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam, ký ngày 21-11-2011.
Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân được xây dựng để thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, thúc đẩy các ứng dụng hạt nhân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Chí Thành cho biết dự án cũng nhằm phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực này.
Dự án có thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10MW và dự kiến đặt tại Đồng Nai. Dự án sẽ tập trung vào các lĩnh vực khoa học vật liệu chiếu xạ, khoa học sinh học, đồng vị phóng xạ, kỹ thuật lò phản ứng, an toàn bức xạ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận