Tàu phá băng mạnh nhất thế giới
Tại lễ đặt ky tàu ở Nhà máy đóng tàu Baltic tại St. Petersburg ngày 26-1, sau khi Tổng thống Nga Putin phát lệnh khởi công, những quan chức có mặt đã siết những bu lông vào phần đầu tiên của con tàu phá băng, theo Hãng tin TASS.
Lễ đặt ky tàu phá băng hạt nhân đa năng thứ 5 diễn ra trong bối cảnh Nga kỷ niệm 80 năm giải phóng hoàn toàn Leningrad khỏi vòng vây phong tỏa của phát xít Đức.
"Chiếc tàu phá băng hùng mạnh mới sẽ là hình ảnh gợi nhớ chiến công bất tử của Leningrad, lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của những người bảo vệ và người dân thành phố trong việc vượt qua mọi khó khăn để chống lại phát xít", ông Putin nói.
Theo TASS, tàu phá băng hạt nhân Leningrad thuộc dự án 22220 sẽ dài 173,3m và rộng 34m. Tàu có chiều cao 52m, lượng giãn nước 33.540 tấn.
Tàu phá băng này được thiết kế để hoạt động trong 40 năm, với sự điều khiển của thủy thủ đoàn gồm 52 người.
Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị cơ sở năng lượng gồm hai lò phản ứng, với nguồn hơi nước chính là lò phản ứng RITM-200 có công suất 175MW.
"Tàu phá băng dự án 22220 là tàu phá băng hạt nhân lớn nhất và mạnh nhất (60MW) trên thế giới", Hãng tin TASS viết.
Thêm nhiều vũ khí cho quân đội Nga
Cũng trong ngày 26-1, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko cho biết hải quân nước này đã nhận được hơn 7.700 tên lửa và hàng loạt tàu chiến trong năm qua.
"Hơn 7.700 đơn vị vũ khí hải quân đã được cung cấp vì lợi ích của hải quân, (gồm) tên lửa hành trình tầm xa phóng từ biển Calibre, Uran và Zircon, tên lửa chống hạm và chống tàu ngầm", Hãng tin TASS dẫn lời ông Krivoruchko nói.
Ngoài ra trong năm ngoái, hải quân Nga đã nhận 3 tàu ngầm gồm tàu ngầm hạt nhân Imperator Alexandr III, tàu ngầm hạt nhân đa năng Krasnoyarsk, tàu ngầm Mozhaisk.
Lực lượng này được bổ sung 7 tàu chiến gồm tàu khu trục Đô đốc Golovko, tàu hộ tống Mercury và Rezkiy, tàu trang bị tên lửa cỡ nhỏ Cyclone và Naro-Fominsk, tàu quét thủy lôi Lev Chernavin, tàu tuần tra Neustrashimy (trở lại thực chiến sau sửa chữa).
Cuối cùng hải quân nước này cũng có thêm 33 tàu đột kích, tàu đa năng và tàu hỗ trợ, 11 máy bay và trực thăng, đặc biệt là máy bay chống ngầm tầm xa, máy bay chiến đấu đa năng, trực thăng chống ngầm và trực thăng vận tải-chiến đấu.
Dự kiến trong năm nay, các tàu của hải quân Nga sẽ được nhận số lượng đáng kể tên lửa siêu vượt âm Zircon.
Cũng theo ông Krivoruchko, ưu tiên hàng đầu của quân đội Nga trong năm 2024 là đưa vào chiến đấu hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat, máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160M nâng cấp, hệ thống tên lửa đất đối không S-500 cho không quân và bổ sung tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chiến lược Knyaz Pozharsky cho hải quân.
Các vũ khí chiến lược
RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng nặng, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo ước tính của các chuyên gia, tên lửa RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRVed nặng tới 10 tấn tới bất kỳ địa điểm nào trên toàn thế giới, kể cả Bắc và Nam Cực.
Trong khi đó máy bay Tu-160M được trang bị hệ thống vũ khí và tác chiến điện tử tiên tiến cũng như thiết bị vô tuyến điện tử hiện đại và nhiều nâng cấp khác. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở xa bằng vũ khí hạt nhân và thông thường.
Tu-160 là máy bay quân sự siêu thanh lớn nhất và mạnh nhất thế giới, với cánh có thể cụp xòe được cho đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận