18/04/2018 13:23 GMT+7

Nga điều phối tiến trình hòa bình ở Syria như thế nào?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Nga điều hành chủ yếu theo thực địa chiến trường. Bên đối lập tham gia "đàm phán" chủ yếu là các thủ lĩnh phiến quân được Nga cho là "không khủng bố", chứ không phải các chính khách lưu vong.

Nga điều phối tiến trình hòa bình ở Syria như thế nào? - Ảnh 1.

Từ phải sang: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani gặp nhau tại Sochi (Nga) tháng 11-2017 - Ảnh: Reuters

Cuộc nội chiến tương tàn ở vừa dai dẳng, vừa khốc liệt, kéo theo nhiều thảm họa nhân đạo và tiềm ẩn những hiểm họa đối với an ninh khu vực cũng như đụng chạm lợi ích chiến lược của các cường quốc. Bởi thế, nhiều nỗ lực ngoại giao bền bỉ đã được triển khai nhằm tìm cách dập tắt lò lửa hung hãn này.

Nỗ lực bất thành của Liên Hiệp Quốc

Phiên họp đầu tiên của cơ chế "hội nghị Genève về Syria" do Mỹ chủ xướng và Liên Hiệp Quốc (LHQ) điều hành diễn ra chỉ trong một ngày cuối tháng 6-2012. Hội nghị này do đặc phái viên của LHQ về Syria - ông Kofi Annan chủ trì, với sự tham dự của 5 ngoại trưởng các nước thường trực HĐBA, cùng một số đại diện Liên đoàn Ả Rập.

Hội nghị đã ra được một "tuyên bố sau cùng", trong đó nhất trí giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng giải pháp chính trị, mà nội dung căn bản là tiến tới thành lập một "chính phủ đoàn kết" tại Syria, bao gồm cả những người thuộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và những người đối lập.

Tuyên bố về giải pháp này được coi là một thắng lợi chính trị của Nga với Trung Quốc hậu thuẫn, khi không hề nhắc tới việc al-Assad "phải ra đi" như phương Tây và phe đối lập đòi hỏi.

Nhưng tuyên bố cũng áp đặt một "thời kỳ chuyển tiếp", trong đó có lộ trình về thay đổi hiến pháp, tổ chức tổng tuyển cử dân chủ do LHQ điều hành, mà nếu thực hiện đúng vậy thì chính quyền al-Assad khó bề tồn tại.

Văn kiện này đến nay vẫn được coi như nền tảng căn bản cho một giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Nhưng khi ấy, cuộc nội chiến đã bùng phát trong nước đến mức không thể kiềm chế được chỉ bằng một nghị quyết quốc tế áp đặt từ bên ngoài.

Phe đối lập, tuy rất phân tán về tổ chức và xu hướng chính trị, nhưng hoàn toàn nhất trí với nhau mục tiêu đầy tham vọng khi ấy là kiên quyết lật đổ chế độ và đòi "trừng trị al-Assad".

Lập trường này được Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh hậu thuẫn trực tiếp; Mỹ và phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ. Trong khi đó, Tổng thống al-Assad không thể chấp nhận "thời kỳ chuyển tiếp", bởi như vậy là "tự sát"!

Thái độ kiên quyết tồn tại của al-Assad được Iran hoàn toàn ủng hộ trên thực địa. Còn Nga kiên trì bảo trợ về chính trị tại HĐBA cho Syria với lý do rất chính đáng: "đây là một quốc gia có chủ quyền".

Nga điều phối tiến trình hòa bình ở Syria như thế nào? - Ảnh 2.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad - Ảnh: REUTERS

Đôi bên Syria "không đội trời chung"

Hơn một năm đẫm máu trong cuộc đối đầu giữa những người phản kháng hòa bình với thế lực không khoan nhượng của chính quyền Syria đã chất chồng oán hận rất sâu rộng, đến mức những người ở đôi bên chiến tuyến không thể nào "đội trời chung"!

Tình thế đã đến mức "một mất một còn" theo nghĩa đen. Bởi thế, đôi bên đều quyết phân thắng bại trên chiến trường, không chấp nhận mọi sự dàn xếp từ bên ngoài.

Theo năm tháng diễn biến của cuộc nội chiến, đôi bên trong cuộc đều tự sàng lọc nội bộ theo hướng cứng rắn thì tồn tại, ôn hòa thì bị gạt sang một bên.

Phía chính quyền Syria thể hiện sự kiên định rất nhất quán, bất chấp phát sinh mâu thuẫn sâu rộng đến mức thủ tướng phải đào tẩu. Còn phía bên kia thì đối lập chính trị ngày càng mất vai trò, thậm chí vũ trang "ôn hòa" cũng nhanh chóng bị thánh chiến choán chỗ trên thực địa.

Từ giữa năm 2014 trở đi, chính quyền Mỹ thời tổng thống Barack Obama muốn rút khỏi Trung Đông để chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương.

Tại khu vực nóng bỏng này, Mỹ chỉ tập trung nỗ lực thành đạt một thỏa thuận ngăn chặn tham vọng của Iran sở hữu vũ khí nguyên tử, rồi miễn cưỡng phải trở lại Iraq để chặn vết dầu loang nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Mỹ thực sự lơ là với cuộc nội chiến quá mệt mỏi ở Syria. Lực lượng đối lập chính trị Syria hầu như suy kiệt, chia rẽ và lu mờ thực sự.

Các danh xưng hàng đầu như "Liên minh đối lập" cũng chia năm xẻ bảy để rồi không được ai coi là "đại diện" nữa. Thực lực của đối lập trong cuộc nội chiến hoàn toàn thuộc về các lực lượng vũ trang - phiến quân trong nước.

Thế là, các nguyên tắc của "Genève 1" từ năm 2012 cứ tồn tại cho đến tận phiên họp gần nhất của cơ chế hội nghị quốc tế về Syria này ngày 21-1 vừa qua. Nhưng mọi chuyện đều được giải quyết thực tế trên chiến trường.

Loạt hội nghị Genève do Mỹ chủ xướng và LHQ bảo trợ từ tháng 6-2012 đến nay mới tổ chức được 9 đợt. Trong khi đó, loạt hội nghị Astana do Nga chủ xướng và điều hành từ đầu năm 2017 đến phiên gần nhất ngày 22-12-2017 đã họp 8 đợt, cùng với hội nghị Sochi lần thứ nhất vào cuối tháng 1-2018.

Đến lượt Nga

Sau khi giúp chính quyền của Tổng thống al-Assad giành lại thế chủ động trên chiến trường, thu hồi nhiều địa bàn rộng lớn vốn do đối lập kiểm soát, mà quan trọng nhất là khu đông thành phố Aleppo vào cuối năm 2016 và khu Đông Ghouta ở ngoại ô Damascus mới đây, Nga trở thành thế lực có vai trò thực sự điều phối tiến trình chính trị Syria.

Loạt hội nghị "đàm phán đôi bên Syria" tại Astana - thủ đô Kazakhstan - từ đầu năm 2017 đến nay, và "hội nghị đối thoại nhân dân Syria" hồi tháng 1 năm nay, do Nga khởi xướng và điều hành phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đã thành công trong việc lần đầu tiên gom đôi bên đối thủ tại Syria vào các cuộc "đàm phán" dù chỉ là hình thức.

Nga điều hành chủ yếu theo thực địa chiến trường. Bên đối lập tham gia "đàm phán" chủ yếu là các thủ lĩnh phiến quân được Nga cho là "không khủng bố", chứ không phải các chính khách lưu vong.

Nhưng đám thủ lĩnh này đến "đối thoại với chính quyền Syria" sau khi đã bị hỏa lực Nga đánh cho tan tác và bị dồn vào thế hoặc là chấp nhận hạ vũ khí để tồn tại (tạm thời), hoặc là bị tiêu diệt!

Chính quyền Syria nay rất tự tin vào khả năng "thu hồi quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ", nên vừa chấp nhận đàm phán, vừa tổ chức liên tiếp các chiến dịch quét sạch đối lập còn lại ở nhiều khu vực khác nhau, trên tổng diện tích khoảng dưới 20% lãnh thổ.

Tổng thống al-Assad không che giấu tham vọng muốn thu hồi cả khu vực đông bắc do người Kurd "tự quản" dưới sự bảo trợ trực tiếp của Mỹ, và tỉnh Idleb của đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ "đảm bảo". Nga nay lại đang đóng vai trò kiềm chế tham vọng quá đáng của chính quyền Syria, tránh đụng chạm trực diện với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hạ nhiệt

Với vai trò chủ yếu của Nga, cuộc nội chiến Syria đang hạ nhiệt rõ rệt, bởi đối lập vũ trang không còn khả năng để lật ngược thế cờ được nữa. Dù cho bên nào thắng thì chí ít cũng sẽ chấm dứt cuộc nội chiến tương tàn kéo dài suốt từ giữa năm 2012 đến nay.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên