Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một lần đối thoại song phương - Ảnh: REUTERS
Giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng trong những ngày gần đây, có tin khẳng định Công ty TransTeleCom của Nga đã cung cấp mạng Internet cho Triều Tiên.
Đây là một phương án có thể giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc hạ tầng mạng vào Trung Quốc, nhưng cũng phần nào cho thấy sự hiện diện rõ ràng hơn của Nga vào câu chuyện trên bán đảo Triều Tiên.
Hãng tin Reuters ngày 4-10 dẫn lời các nhà phân tích về vấn đề này nói rằng Matxcơva đang ngăn các nỗ lực do Washington dẫn đầu trong việc "lật đổ chính quyền" Bình Nhưỡng. Vì nếu Triều Tiên bị thay đổi, tình hình ở khu vực sẽ bị ảnh hưởng lớn, mà Nga thì không muốn việc quân đội Mỹ có thể lảng vảng gần biên giới của mình.
Một số nhà ngoại giao Nga cũng như giới phân tích thạo tin về Điện Kremlin cho rằng Nga tuy mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ để tháo gỡ gánh nặng từ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, liên quan tới cáo buộc Matxcơva gây bất ổn ở miền đông Ukraine, nhưng không thể nhượng bộ khi chứng kiến Mỹ can thiệp vào công việc đối ngoại của các nước khác.
Các ý kiến trên cho rằng Nga bày tỏ sự phản đối quyết liệt với chuyện Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gầy dựng lực lượng tại biên giới phía tây của Nga. Và Matxcơva không hề mong muốn câu chuyện tương tự xảy ra ở cánh miền đông - tức châu Á.
Xe tăng Nga tập trận tại khu vực Chelyabinsk, giáp biên giới với Kazakhstan - Ảnh: TASS
Chính vì vậy, Nga đang tiếp cận vấn đề theo hai hướng song song vào thời điểm này. Một mặt họ muốn bảo vệ Triều Tiên, không cho Mỹ cô lập kinh tế với đất nước này. Một mặt, họ vẫn lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Dịch vụ Internet chỉ là một phần trong mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Triều Tiên. Thương mại song phương của hai nước này đạt hơn 31,4 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2017, chủ yếu xuất phát từ xuất khẩu dầu mỏ, Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Bộ phát triển Viễn Đông Nga.
Thực tế cho thấy ít nhất 8 tàu chở hàng đã rời Nga cùng các sản phẩm hàng hóa, nhiên liệu để về Triều Tiên trong năm nay, bất kể cam kết của Matxcơva về việc siết chặt lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Nga cũng không trục xuất công nhân Triều Tiên để đánh vào "yết hầu kinh tế" của Triều Tiên như mong muốn của Mỹ.
Điện Kremlin thực sự tin rằng giới chóp bu ở Triều Tiên cần thêm sự đảm bảo, và tự tin rằng Mỹ không can thiệp vào chuyện thay đổi chế độ"
Ông Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC)
RIAC là một cơ quan nghiên cứu thân thuộc với Bộ Ngoại giao Nga.
Ông Kortunov nói thêm rằng Matxcơva xem Tổng thống Mỹ Donald Trump như một người có thể hành động khó lường, khác với cách nhìn của họ về tổng thống Barack Obama trước đây. Vì vậy Nga trước hết cần đảm bảo không có chuyện gì xảy ra với Triều Tiên.
Việc Nga ủng hộ Triều Tiên là một "sự cân bằng tinh tế", theo ông Kortunov. Nó không hề dính dáng gì tới cảm xúc cá nhân, mà là chiến lược ngoại giao giúp Nga củng cố vị thế và lợi ích chính trị của mình, tương tự việc Điện Kremlin ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad để duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông.
Nhưng khác với Syria ở chỗ nếu Triều Tiên có sụp đổ thật thì Nga sẽ phải đối diện một cuộc khủng hoảng nhân đạo do hai nước có một đoạn biên giới ngắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận