Vắcxin Sputnik của Nga gồm 2 mũi tiêm chứa hai loại vector khác nhau - Ad5 và Ad26 - Ảnh: SPUTNIK V
Bên cạnh đó, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik V cho thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào, trong khi tỉ lệ các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với các ứng cử viên vắcxin COVID-19 khác dao động từ 1% đến 25%.
Kết quả trên được Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) và Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Nga Gamaleya - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển vắcxin Sputnik V - công bố trên tạp chí khoa học uy tín The Lancet ngày 4-9.
Cũng theo báo cáo này, mức độ kháng nguyên của những tình nguyện viên được tiêm Sputnik V cao hơn 1,4 - 1,5 lần so với mức độ kháng thể của những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh.
Trong khi đó, mức độ này ở các tình nguyện viên trong thử nghiệm lâm sàng vắcxin của Hãng dược Anh AstraZeneca và bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh là ngang bằng, theo Viện Gamaleya.
Trong cuộc họp báo trực tuyến diễn ra cùng ngày, phản hồi thắc mắc của báo giới quốc tế về mẫu số quá ít trong cuộc thử nghiệm này, Kirill Dmitriev, giám đốc RDIF, nói rằng số lượng người tham gia thử nghiệm lâm sàng được nhận 2 mũi vắcxin của Nga, cao gấp 4 lần của AstraZeneca (Anh).
Sputnik V được phát triển dựa trên công nghệ adenovirus vector được Viện Gamaleya nghiên cứu từ năm 1953.
"Trong đại dịch, điều đặc biệt quan trọng là phải sử dụng vắcxin với độ an toàn đã được chứng minh, như Sputnik V đã làm. Không để thế giới thiếu biện pháp bảo vệ hiệu quả trước SARS-CoV-2 đồng thời không gây nguy hiểm đến tính mạng con người bằng các công nghệ thử nghiệm chưa được kiểm chứng" - ông Dmitriev nói, thể hiện sự nghi ngờ với các công nghệ mới mà các nước phương Tây đang theo đuổi.
Cũng theo ông Dmitriev, đã bắt đầu xuất hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với việc đăng ký vắcxin ngừa COVID-19 ở Mỹ, Anh, Trung Quốc khi các nước này bắt đầu đẩy nhanh quá trình sản xuất vắcxin, cho phép sử dụng khẩn cấp trước khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Ưu tiên nội địa
GS Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, cho biết thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắcxin Sputnik cũng đã được cấp phép.
Cuối tháng 8, 40.000 tình nguyện viên Nga được tiêm vắcxin Sputnik V trong một thử nghiệm đại trà lớn nhất từ trước đến nay. Ngày 31-8, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này sẽ tiêm vắcxin cho các nhóm dân số có nguy cơ cao trong cuối năm 2020.
"Có hơn 40 quốc gia quan tâm đến việc nhập khẩu vắcxin Sputnik V nhưng năng suất hiện tại của chúng tôi chưa đảm bảo để đáp ứng nhu cầu" - ông Dmitriev cho biết.
Nga đang thảo luận hợp tác với Ấn Độ và Brazil để chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin này đồng thời bỏ ngỏ khả năng xuất khẩu đến tháng 11.
"Trước mắt, ưu tiên lớn của chúng tôi là đảm bảo có đủ vắcxin cho người dân Nga" - GS Gintsburg nói.
Chưa có bằng chứng về tăng nguy cơ mắc HIV
Để phát triển vắcxin Sputnik V, các nhà nghiên cứu Nga đã trích xuất gen mã hóa từ gai của virus corona sau đó gắn vào một adenovirus vector để chuyển vào tế bào của người. Người sử dụng vắcxin sẽ phải tiêm hai mũi, sử dụng hai loại vector khác nhau là Ad5 và Ad26. Trong đó, loại vector đầu tiên sẽ đánh lừa cơ thể người, kích thích miễn dịch đối và vector thứ hai sẽ có nhiệm vụ tăng tính hiệu quả miễn dịch được tạo ra.
Một thử nghiệm vắcxin HIV sử dụng Ad5 của Công ty dược Mỹ Merck & Co vào năm 2004 cho thấy những người có khả năng miễn dịch từ trước trở nên nhạy cảm hơn với virus gây bệnh AIDS, theo Reuters.
Các nhà nghiên cứu, bao gồm cả chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ - tiến sĩ Anthony Fauci, trong một bài báo năm 2015 cho biết tác dụng phụ này có thể chỉ xảy ra với vắcxin HIV. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng tỉ lệ nhiễm HIV nên được theo dõi trong và sau khi thử nghiệm tất cả các loại vắcxin sử dụng Ad5 ở những quần thể có nguy cơ.
Trước nghi vấn này, GS Gintsburg trả lời rằng hiện tại vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy vắcxin sử dụng Ad5, cụ thể là Sputnik V, làm tăng nguy cơ mắc HIV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận