Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford (trái) trong cuộc điều trần ngày 12-6 - Ảnh: Reuters |
Ông Mattis nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn xây dựng mối quan hệ tích cực với chính quyền của tổng thống Donald Trump.
Nga coi Mỹ là đối thủ cạnh tranh chiến lược
“Vào thời điểm này, tôi không thấy chỉ dấu nào cho thấy ông Putin muốn có mối quan hệ tích cực với nước Mỹ. Tôi nói thế nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta không thể tìm kiếm các lợi ích chung với họ”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Bộ trưởng James Mattis cho rằng những động thái hiện nay của Mỹ là xuất phát từ thái độ của nước Nga.
“Ông ta (Tổng thống Putin) đã chọn cách cạnh tranh, trở thành một đối thủ cạnh tranh chiến lược của nước Mỹ, chúng ta sẽ phải đối đầu với thực tế này”, Reuters dẫn lời ông Mattis.
Mỹ và khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do nước này dẫn đầu đã liên tục tăng cường sự hiện diện, áp sát phía đông nước Nga dẫn đến việc Matxcơva đáp trả bằng việc đưa quân áp sát các nước Baltic. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nguồn gốc bắt đầu từ việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, trong cuộc điều trần cùng ngày thừa nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Nga được định nghĩa đúng bằng một từ: bất hòa.
Trên thực tế, rất khó để tìm được lợi ích chung giữa Nga và Mỹ. Syria, một trong số ít vấn đề Mỹ và Nga cùng can dự, sau một thời gian cũng đã cho thấy hai nước đã không thể tìm được tiếng nói chung.
Washington, sau 2 lần cùng Matxcơva bắt tay bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria, đã rút khỏi bàn đàm phán. Nga tiếp tục bắt tay cùng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho các lệnh ngừng bắn mới ở Syria.
Mỹ tăng cường trừng phạt Nga
Các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 13-6 đã đạt được sự nhất trí trong việc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga.
Đáng chú ý, trong dự luật được trình ra thượng viện có điều khoản cấm Nhà Trắng nới lỏng, đình chỉ hay chấm dứt các biện pháp trừng phạt mà không có sự thông qua của Quốc hội.
Theo Reuters, dự luật mới sẽ bao gồm các lệnh trừng phạt Nga vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 (bất chấp cuộc điều tra này vẫn đang được tiến hành), sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ Chính phủ Syria trong cuộc xung đột dài 6 năm qua.
Các cá nhân, tổ chức người Nga bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền, cung cấp vũ khí cho Chính phủ Syria và tiến hành các cuộc tấn công mạng sẽ là đối tượng chủ yếu bị trừng phạt. Các ngành công nghiệp khai thác mỏ, kim loại, các ngành vận tải và đường sắt của Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt mới.
Dự luật nhận được sự ủng hộ của cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa tại Thượng viện nên được dự đoán sẽ dễ dàng được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tuần này.
Tuy nhiên, trước khi trở thành luật, dự luật này cần được Tổng thống Trump chấp thuận. Trong trường hợp ông Trump phản đối, Thượng viện có thể phủ quyết và dự luật mới vẫn có hiệu lực.
Quan hệ Nga - Mỹ ở mức thấp nhất kể từ chiến tranh lạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc phỏng vấn gần đây thừa nhận dù mối quan hệ giữa hai nước Nga - Mỹ đang không suôn sẻ, song cơ hội để chuyển biến tốt đẹp vẫn còn, trừ khi Washington không muốn điều đó. “Cần có những nỗ lực nghiêm túc từ hai phía. Chúng ta cũng cần cả mong muốn chính trị, sự quyết tâm bền bỉ để giải quyết các vấn đề mang tính lợi ích thực tế tương hỗ”, ông Putin nói. Giới quan sát nhận định quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh, xuất phát từ nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và các cuộc tấn công mạng vào Mỹ nghi do Nga tiến hành. Tổng thống Donald Trump dù điện đàm với người đồng cấp Putin, song chưa có ý định gặp mặt trực tiếp dù đã gần 6 tháng kể từ khi lên cầm quyền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận