Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ ngày 26-11 phủ quyết lịch trình thảo luận do Nga đề xuất về sự việc gần eo biển Kerch - Ảnh: Reuters
Việc Nga bắt giữ ba tàu hải quân cỡ nhỏ và 23 thủy thủ Ukraine ngày 25-11 tại eo biển Kerch là xung đột vũ trang nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Vụ việc là một sự nhắc nhở mạnh mẽ về căng thẳng giữa Nga và Ukraine không phải là một phần của một cuộc xung đột đang đóng băng. Căng thẳng có thể bùng phát không báo trước.
Cây viết Jonathan Marcus của BBC đánh giá
Thiết quân luật trong 30 ngày
Ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký sắc lệnh thiết quân luật, đặt quân đội trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ "xâm lược". Trong khi đó, Nga khẳng định đây chỉ là một chiêu trò của chính quyền Kiev để lái sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước.
Theo Matxcơva, các tàu của Ukraine bị bắt khi xâm nhập trái phép lãnh hải Nga trên đường từ biển Đen đến vùng biển Azov, vi phạm điều 19 và 21 của Công ước LHQ về Luật biển và các thông lệ quốc tế. Lực lượng Nga đã sử dụng vũ lực để ngăn chặn khiến một số thủy thủ bị thương. Nga ngày 27-11 khẳng định các thủy thủ Ukraine thừa nhận đã hành động khiêu khích và phớt lờ cảnh báo của Matxcơva.
Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko cho biết phía Nga đã được thông báo kế hoạch di chuyển qua vùng biển này và ba con tàu bị tấn công khi đang chờ xác nhận từ hải quân Nga trên biển Đen vốn được tự do đi lại. Ông Yelchenko thậm chí kêu gọi siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Trong khi thực hư vụ việc còn đang tranh cãi, Quốc hội Ukraine ngày 26-11 đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Poroshenko áp đặt thiết quân luật tại những khu vực có nguy cơ bị tấn công gần biên giới trong 30 ngày. Nga cho biết Kiev cũng kéo nhiều tổ hợp pháo cao xạ, pháo phản lực, điều động binh lính đến Zolotom và Petrovsky. "Tôi có những tài liệu tình báo... mô tả chi tiết tất cả thế lực thù địch đặt cách biên giới chúng ta chỉ vài chục kilômet, sẵn sàng xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào" - ông Poroshenko khẳng định.
"Việc áp đặt thiết quân luật tại nhiều vùng có khả năng dẫn đến nguy cơ gia tăng căng thẳng cho cuộc xung đột khu vực ở đông nam Ukraine" - Reuters ngày 27-11 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin. Đại diện thường trực Nga tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Aleksandr Lukashevich chỉ trích những sự kiện gần đây cho thấy Kiev đang "theo đuổi chính sách gây căng thẳng". Trong khi đó, giới phân tích Nga cho rằng đây chỉ là cái cớ để Tổng thống Poroshenko, vốn đang có sự tín nhiệm tuột giảm nghiêm trọng, trì hoãn hoặc tác động đến cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3-2019.
NATO, phương Tây phản ứng
Mỹ đã lên tiếng cảnh báo việc Nga bắt giữ tàu Ukraine đang cản trở mối quan hệ giữa Washington và Matxcơva. "Đây là hành động ngạo mạn mà cộng đồng quốc tế phải lên án và không bao giờ chấp nhận" - đại sứ Mỹ tại LHQ chỉ trích. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng kêu gọi Nga thả tàu và các thủy thủ của Ukraine.
Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27-11 hối thúc các nước tăng cường trừng phạt Matxcơva. Anh, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Canada đều đồng loạt lên án Nga. NATO mặc dù kêu gọi kiềm chế và giảm căng thẳng nhưng cũng yêu cầu Nga đảm bảo tàu thuyền của Ukraine ra vào biển Azov theo luật quốc tế. "Những gì các anh thấy là rất nghiêm trọng vì thực sự Nga đã dùng đến lực lượng quân đội tại một khu vực mở" - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã kêu gọi Washington "kiềm chế những con rối Ukraine" sau các cuộc biểu tình gần các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine. Sputnik dẫn lời nhà phân tích Edward Lozansky tại Matxcơva nói: "Chúng ta biết rằng Mỹ cũng đang đào tạo binh lính Ukraine và họ đang thảo luận hoặc có thể đã bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân ở thành phố Ochakov. Tất cả chuyện này sau cùng có thể dẫn đến sự leo thang mà ai cũng hối tiếc". Trong khi đó, phó trưởng đại diện phái đoàn Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cảnh báo phản ứng của LHQ về vụ việc có thể khuyến khích các hành động gây hấn của Kiev trong thời gian tới.
Trong kịch bản tiếp theo, các nước có thể thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga, hỗ trợ Ukraine và thậm chí NATO và Mỹ có thể đào tạo quân sự, tăng cường bán vũ khí cho Ukraine. "Nhưng điều khó khăn là làm sao cân bằng giữa sự ủng hộ (của phương Tây) cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tránh đẩy cuộc xung đột biến thành chiến tranh" - ông Marcus viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận