Minh họa: KIM DUẨN
Nó nhìn anh cười. Phải chi có từ ngữ nào để diễn tả New York đối với nó. Phải chi tiếng Anh có thể gói gọn "thích", "ghét", "thương" và "sợ" trong một từ.
Nó sẽ dùng từ này để nói cho anh hiểu rằng đối với nó, New York là thành phố của tuổi trẻ và sự trưởng thành, của tham vọng và thất bại, của tình yêu và của tan vỡ.
"Thích"
Hồi nhỏ, New York trong nó là thành phố xa hoa, tráng lệ ở bên kia đại dương. Rất nhiều phim Mỹ nó xem trên HBO được quay ở New York. Nhân vật nào cũng đẹp, cũng ăn mặc sang trọng. Mà sao người ta đi nhanh quá. Làm chi mà gấp dữ vậy?
Lên trung học, nó nghe bài hát "New York, New York" của Frank Sinatra. "If I can make it there / I'll make it anywhere". Hai câu này đi theo nó suốt ba năm cấp 3. Nó tin Frank Sinatra nói đúng. Nếu có thể đến được New York, nó có thể đến được bất cứ nơi nào trên thế giới.
Lên đại học, nó thành cô sinh viên tỉnh lẻ ở một thành phố nhỏ xinh giữa bang Pennsylvania. Kỳ nghỉ đông năm hai, nó bắt chuyến xe buýt lên New York. Nó bị choáng ngợp bởi dòng người tấp nập, bởi nhà chọc trời và bởi sự phấn khích của đứa con gái 19 tuổi lần đầu đặt chân lên New York.
"Ghét"
Nó quyết định nó muốn làm tài chính ở Wall Street.
"Thôi học xong rồi về với ba mẹ, ở chi cái xứ lạnh lẽo".
Nhưng ba mẹ ơi, nó muốn ở cái xứ lạnh lẽo này, nó muốn ở New York. Nó muốn chứng minh cho người ta thấy rằng nó có thể làm được, như trong bài hát của Frank Sinatra. Vậy là nó mua bộ đồ công sở, đôi giày cao gót, cái túi đeo vai và bắt đầu hành trình theo đuổi "giấc mơ Mỹ".
Mỗi khi nghe điện thoại rung hai lần báo email mới, nó lại thót tim. Qua năm sáu lần thót tim rồi lại thất vọng tràn trề khi kết quả không như mong muốn, nó ghét New York.
Có lẽ nó không ghét New York, nó chỉ ghét ngồi xe buýt 3 tiếng đồng hồ từ trường lên trạm Penn ở trung tâm Manhattan, nó ghét vừa đi bộ trong đôi cao gót chật chội vừa ăn trưa bằng bịch bánh khoai tây chiên, nó ghét nhìn dòng du khách phấn khởi chụp hình trên đại lộ Broadway, trong khi nó ngồi ôn lại cách tính giá trái phiếu chính phủ.
"Thương"
Cậu đến thăm nó ở thị trấn xa xôi hẻo lánh vào tuần đầu tiên của năm học cuối cùng. Hết 2 ngày cuối tuần, cậu lại quay về trường ở Long Island. Cậu hỏi nó có chắc nó muốn yêu cậu không, vì hết học kỳ cậu lại về nước. Nó bảo nó không quan tâm. Nó bảo nó muốn yêu xa.
Vậy là hai đứa yêu xa. Trạm Penn không còn là nỗi ám ảnh của nó nữa. Vì bây giờ mỗi khi ở Penn Station, nó biết nó sắp gặp cậu.
Ở thành phố đắt đỏ này, hai đứa đi bộ rã hết chân chỉ để tiết kiệm 2,75 đồng tiền xe điện. Vào trung tâm thương mại chỉ để ngắm đồ, hay nghịch dòng iPhone mới nhất rồi lại đi ra. Buổi hẹn hò lý tưởng là khi cả hai mua hai cái hamburger ngồi dưới gầm cầu Brooklyn vừa ăn vừa bịt tai tránh tiếng ồn của xe lửa.
"Sợ"
Cậu về nhà ở khu ngoại ô Paris yên bình. Nó chuyển xuống thủ đô Washington DC. Vincennes và Washington cách nhau 6 tiếng. Nó hứa nó sẽ gọi cậu sau giờ làm. Nó thất hứa nhiều lần vì phải làm trễ, hay phải gặp gỡ đồng nghiệp. Sinh nhật nó, cậu hứa sẽ gửi quà, nhưng nó chỉ nhận được tin nhắn chúc mừng sinh nhật gói gọn trong hai câu.
Nó muốn một khởi đầu mới cho nó, và cho cả cậu nữa. Vậy là hai đứa hết thương nhau.
Nó bị cuốn vào công việc, vào dòng người đi bộ thật nhanh trên đường để bắt kịp chuyến tàu tiếp theo. Nó gặp gỡ nhiều người ở thành phố mới. Nó gặp anh. Anh hơn nó nhiều tuổi, anh thành công và trưởng thành hơn nó. Anh đưa nó đến những nhà hàng, quán bar sang trọng. Anh với nó nói chuyện hợp nhau. Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết, anh và nó sống chung một thành phố, cùng một múi giờ.
Nó chuẩn bị đi hội thảo ở New York. Nó vẫn luôn cảm thấy choáng ngợp và sợ "thành phố không bao giờ ngủ". Thành phố này nhắc nó nhớ đến những thất bại đầu đời, những giấc mơ dang dở và những mục tiêu nó vẫn chưa thực hiện được.
Nhưng hơn hết, nó sợ đối mặt với quá khứ. Lần cuối cùng nó đi New York là 8 tháng trước, khi cậu chuẩn bị về nước. Hai đứa ở chung một căn phòng Airbnb nhỏ. Nó vừa phụ cậu xếp đồ vào vali vừa khóc thút thít. Cậu không cho nó ra sân bay, vì biết nó sẽ mít ướt.
Nó sợ đối mặt với ký ức. Ký ức về chiếc balô xanh cậu hay mang mỗi khi ra Penn Station đón nó, về những chuyến tàu lúc 2, 3 giờ sáng, về cầu Brooklyn, về hai chiếc bánh hamburger.
Nó sợ đối mặt với sự thật rằng nó sẽ không bao giờ quên được cậu. Nó tin nó sẽ gặp gỡ và yêu thương nhiều người trong đời, nhưng nó biết nó sẽ không bao giờ quay về được tuổi hai mốt, quay về lần đầu tiên cậu đón nó ở Penn Station, hay lần cuối cùng nó tiễn cậu ra sân bay.
Nó nhớ đến một câu nói trong bộ phim yêu thích: "Đối với chúng ta, tan vỡ trong tình yêu mang tính sát thương của một trái bom nguyên tử, nhưng đối với thế giới, nó chỉ là một điều tầm thường và sáo rỗng".
Có lẽ vậy. Có lẽ đối với 9 triệu người ở New York, chuyện yêu đương của hai đứa con nít chỉ là một điều tầm thường và sáo rỗng. Nhưng nó tự an ủi rằng có lẽ đâu đó trên những con đường ở New York, có một cặp đôi hai mốt tuổi đang háo hức chuẩn bị cho buổi hẹn hò cuối tuần. Có lẽ đâu đấy ở giữa New York vẫn còn vết chân của nó và cậu, của hai "đứa con nít" thương nhau và chỉ biết có thương nhau thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận