Hôm 29-9, người ta thấy cảnh nhân viên cứu hộ phải dùng bè bơm hơi để di tản người mắc kẹt trong các tòa nhà vì ngập lụt ở thị trấn Mamaroneck, vùng ngoại ô quận Westchester của New York. Thành phố này đang trải qua đợt ngập lụt kinh hoàng gợi nhớ tới siêu bão Ida năm 2021.
Phố New York bỗng là dòng sông
Theo Đài CNN, trận mưa kỷ lục ngày 29-9 đã làm ngập hệ thống thoát nước ở New York, khiến nước lũ tràn vào thành phố ngập các tầng hầm, trường học, ga tàu điện ngầm và khiến xe cộ không thể di chuyển.
Mưa lớn bất ngờ đã khiến thành phố đông dân nhất nước Mỹ tê liệt khi nhiều người mất cảnh giác trong giờ cao điểm hôm 29-9. Tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, lượng mưa rơi trong ngày có lúc đạt 8 inch (20cm), một kỷ lục, cao hơn bất kỳ trận mưa nào khác kể từ năm 1948.
Chỉ trong ba tiếng, khu vực Brooklyn chứng kiến lượng mưa tương đương của một tháng. Hình ảnh từ báo chí và mạng xã hội ở Mỹ ghi nhận cảnh nhiều người kẹt trong xe suốt nhiều giờ, một số tầng hầm "ngập như bồn tắm".
Đây cũng là một trong những tháng 9 ẩm ướt nhất trong lịch sử nước Mỹ với tổng lượng mưa là 13,7 inch (34,9cm) tính tới 11h ngày 29-9. Mức cao nhất được ghi nhận là 42,7cm trong tháng 9-1882.
Thống đốc New York Kathy Hochul đã cảnh báo về các trận lụt "đe dọa tính mạng". Trong khi đó dù đến nay chưa có báo cáo trường hợp tử vong nào liên quan mưa lũ nhưng báo chí bắt đầu liên hệ trận mưa năm nay với cơn bão Ida năm 2021 gây mưa lớn kỷ lục ở khu vực đông bắc và khiến ít nhất 13 người chết tại thành phố New York. Hầu hết số người chết trong bão Ida nêu trên đều sống trong các tầng hầm ngập nước.
Lỗi tại biến đổi khí hậu?
Trận mưa vừa qua không chỉ là vấn đề của riêng New York. Tình hình năm nay một lần nữa khiến dư luận Mỹ lo lắng về nguy cơ lũ lụt trong bối cảnh thời tiết ngày càng khó đoán và tình trạng cơ sở hạ tầng lỗi thời ở nước này.
Cụm từ "biến đổi khí hậu" đã xuất hiện trên các mặt báo của Mỹ sau trận mưa lớn ở New York. Bà Mona Hemmati, nhà khoa học tại Trường Khí hậu Columbia ở New York, cho rằng cơn bão như một lời nhắc nhở về những tổn thương cộng đồng ven biển phải đối mặt, cũng như sự trầm trọng của vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng con người mới là tác nhân gây ra hậu quả lớn từ bão lũ. Ông Samuel Brody, giám đốc Viện Chống thiên tai Texas, nhận định sự phát triển của con người đang thay đổi nhanh hơn so với những gì hệ thống thoát nước và cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng và phát triển nhanh hơn cả biến đổi khí hậu dù rằng biến đổi khí hậu là có thật, là cơ bản và đang diễn ra.
Ông Brody nhấn mạnh "nước không còn nơi nào để chảy vào" khi con người xây dựng đường sá, mái nhà, bãi đậu xe... quá nhiều.
"Một trong những xu hướng mà chúng ta thấy trên toàn quốc là lũ lụt xảy ra ở những nơi chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới. Và đó là do vai trò của con người. Nếu bạn đọc báo mỗi tuần, bạn sẽ thấy dạng lũ lụt này xuất hiện tại một khu vực phát triển nào đó ở Mỹ", ông nói với trang Verge.
Dù lý do thuộc về thiên tai hay con người, khó khăn mà New York và các thành phố lớn đối mặt vẫn là chuyện đầu tư. Thông thường các thành phố không sẵn lòng chuẩn bị cho các tình huống kiểu như "trăm năm có một". Ông Brody lấy ví dụ các hệ thống hiện nay chỉ chuẩn bị cho sự kiện năm năm có một, trong khi mức cơ bản để phòng rủi ro ở Mỹ là những hệ thống chống được chuyện trăm năm xảy ra một lần.
Đôi khi con người thường hiểu sai về xác suất 1% này. Điều đó không có nghĩa là sau một năm chứng kiến cơn bão kỷ lục trăm năm, con người có thể yên tâm rằng 100 năm sau nó mới tái diễn. "Nó chỉ có nghĩa là mỗi năm xác suất có chuyện này xảy ra là 1%", ông nói.
Hầu hết cơ sở hạ tầng chống lũ, thoát nước tại Mỹ đều bị cho là lỗi thời. Lấy ví dụ ở Houston (Texas), hệ thống thoát nước được đưa vào sử dụng từ những năm 1950. Kể từ đó hệ thống này không thay đổi thêm về công nghệ, chỉ được điều chỉnh tăng khối lượng và tốc độ thoát nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận