Nghiên cứu cho thấy New York đang chìm với tốc độ 1-2mm/năm dưới sức nặng của các tòa nhà chọc trời. Một vài milimet nghe có vẻ không nhiều, nhưng một số khu vực của thành phố đang lún nhanh hơn nhiều.
"Điều này cho thấy việc xây dựng thêm các tòa nhà chọc trời ở ven biển, sông hoặc bờ hồ đều có thể góp phần gây ra nguy cơ lũ lụt trong tương lai", nhà địa chất Tom Parsons của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Rhode Island cho biết.
Trong nghiên cứu mới này, ông Parsons và các đồng nghiệp đã tính toán khối lượng tích lũy của hơn 1 triệu tòa nhà ở thành phố New York, tương đương 764.000.000.000 kilogram.
Ước tính của họ chỉ bao gồm khối lượng của các tòa nhà, không bao gồm đường, vỉa hè, cầu, đường sắt và các khu vực trải nhựa khác của New York.
Mô hình hóa hoạt động địa chất của nền đất thành phố, nhóm nghiên cứu nhận thấy đất sét và đất cát xây dựng đặc biệt dễ bị sụt lún.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo quá trình đô thị hóa ngày càng tăng, bao gồm cả việc rút và bơm nước ngầm, chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề sụt lún của New York.
Ngoài ra, việc xây dựng những bức tường biển khổng lồ không phải là câu trả lời đúng cho tác động kép lên thành phố: một mặt tiếp tục sụt lún, một mặt bị nước biển dâng cao.
New York đứng thứ ba về khả năng hứng chịu lũ lụt trong tương lai của nước Mỹ. Phần lớn hạ lưu Manhattan chỉ cao hơn mực nước biển hiện tại 1 và 2m. Các cơn bão vào năm 2012 (Sandy) và 2021 (Ida) cũng cho thấy thành phố chủ yếu được trải nhựa có thể bị ngập trong nước nhanh như thế nào.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Earth's Future.
Thông thường có 2 nguyên nhân chính gây sụt lún: trầm tích mềm dưới mặt đất di chuyển hoặc tải trọng tác động lên mặt đất đẩy nó xuống sâu hơn.
Một nghiên cứu năm 2022 về 99 thành phố ven biển trên khắp thế giới cho thấy sụt lún thực sự có thể gây ra vấn đề lớn hơn khi nước biển dâng cao.
Ở hầu hết các thành phố được khảo sát, đất đang sụt lún nhanh hơn so với mực nước biển dâng, điều đó có nghĩa là người dân sẽ phải đối mặt với lũ lụt sớm hơn dự kiến của các mô hình khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận