TTCT - “Để không rơi vào tình trạng rối bời, điều chúng ta cùng nhìn lại không chỉ là sức tải của nền y tế mà còn cả năng lực ra quyết định chính sách, cơ sở dữ liệu một cách khoa học” - TS NGUYỄN THU ANH, viện trưởng Viện Y khoa Woolcock (ĐH Sydney, Úc), trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Ảnh: stimg.coSố ca COVID-19 đã vượt nửa triệu. Chị nhận định thế nào về tình hình hiện nay? Đáng lo ngại ở mức nào? Nhìn chung dịch bệnh đã âm thầm lây đi khắp cả nước. Điều đáng mừng là chính các tỉnh phản ứng nhanh - có ca nhiễm là giãn cách, cách ly y tế hoặc phong tỏa - tất nhiên là có những biện pháp quá mức nhưng cơ bản giúp kiểm soát dịch bệnh. Tuy vậy, dù có làm gì đi chăng nữa, chúng ta cũng chỉ ngăn được dịch lây ở thời điểm đấy, bởi khi đã có rất nhiều nguồn lây âm thầm chứ không chỉ là 2 - 3 nguồn lây thì rất khó truy vết như ngày xưa. Việc phong tỏa giãn cách làm chậm lại quá trình lây lan, để khi nới dần giãn cách thì vẫn kiểm soát được.Chúng ta cũng không thể quay về “Zero COVID” được nữa, kể cả tiêm đủ vaccine thì virus này vẫn còn, chỉ có thể loại trừ nó đến mức độ tối thiểu để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống. Trong quá khứ, chúng ta đều làm như vậy. Ví dụ với virus sởi, chúng ta đã giảm nó xuống thấp tới khi bùng ra một vụ dịch thì lại dập. Sau này COVID-19 cũng phải như thế. Nhưng ngược lại, quan điểm sống chung theo kiểu thả lỏng mặc kệ là quá nguy hiểm. Bởi vì quá nhiều người mắc sẽ làm tăng số ca nặng nhanh chóng, năng lực hệ thống y tế không thể xử lý được; mặt khác, nhiều người lây sẽ có thể làm sinh ra biến thể nguy hiểm hơn. Như thế thì khi nào mới có thể nới giãn cách? Chống dịch bệnh phải tích hợp giữa xét nghiệm, vaccine, điều trị; và giãn cách xã hội để giảm áp lực công việc để làm ba việc còn lại. Vì thế, để nới dần giãn cách, chúng ta sẽ phải đưa ra các tiêu chí:+ Nhóm 1 gồm: số ca bệnh mới, tử vong, bệnh nặng, thở oxy, số giường cần chăm sóc đặc biệt, số ca dương tính trên tổng số xét nghiệm (WHO có hướng dẫn).+ Nhóm 2 là năng lực đáp ứng của hệ thống, gồm: năng lực xét nghiệm (không chỉ máy xét nghiệm mà còn con người, quy trình, kit xét nghiệm và năng lực truy vết) khi dịch vẫn còn trong khả năng kiểm soát, hoặc sau này tiêm vaccine bao phủ thì vẫn truy vết được; năng lực điều trị cả ở bệnh viện và cộng đồng; cuối cùng là năng lực vaccine đủ bao phủ tối thiểu cho tuyến đầu chống dịch, nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền.Chiếu theo đó, nhìn vào bài toán nửa triệu người nhiễm thấy rất khó, chưa thể giải ngay được thì chúng ta chia nhỏ, làm từng phần một, từ từ sẽ giải được. Trong cả nước, nhiều tỉnh vẫn có rất ít ca mắc, cần tiếp tục duy trì kiểm soát nhanh, tiêm vaccine, nâng cao năng lực điều trị. Các tỉnh nhiều ca bệnh không được hoảng hốt, mà tiếp tục chia nhỏ theo từng quận/huyện, ở từng quận lại chia nhỏ theo phường, quản lý các block này, nới từng bước ở từng block kiểm soát được. Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHANNăng lực điều trị COVID đang quá tải, nhiều bệnh khác cũng không được chữa trị kịp thời. Chúng ta có phải chuẩn bị tinh thần “bật - tắt” trong điều kiện năng lực y tế còn hạn chế?Chính vì thế phải nâng cao cả năng lực hệ thống điều trị và chuẩn bị cả ở cộng đồng, để giảm tử vong trước, sau đó đến giai đoạn kiểm soát ca nhiễm, rồi mới đến loại trừ dần COVID-19 (xin lưu ý là loại trừ, tức là khiến cho tỉ lệ nhiễm ở ngưỡng thấp chứ không phải xóa bỏ bằng được).Để giảm tử vong, đã có nhiều biện pháp gồm tiêm vaccine, hệ thống các tầng điều trị. Tuy vậy ở cộng đồng, đa số mọi người (80%) có biểu hiện nhẹ nhưng không ai biết mình rơi vào nhóm nhẹ hay nặng nên thường rối không biết xử trí. Trước đây chúng ta được trang bị kiến thức sởi hay tả rất tốt, với COVID cũng phải như vậy. Để giảm tải cho năng lực hệ thống của những nơi đã quá tải, cũng như chuẩn bị trước để không quá tải hệ thống ở những nơi khác, thì cần có các gói điều trị cơ bản, dễ thực hiện. Các tổ dân phố có thể tự trang bị máy đo oxy, nhóm có triệu chứng và tăng nặng (thường là 20%, phát hiện nhờ đo độ bão hòa oxy trong máu) có thể uống thuốc tại cộng đồng theo chỉ dẫn, tăng nặng nữa thì đưa đi viện.Thứ hai, về lâu dài phải để các bệnh viện đều có khoa điều trị COVID-19. COVID-19 vẫn lây, các bệnh viện “thủng lưới’ liên tục vì COVID-19 lây từ khi không có triệu chứng, có khi xét nghiệm âm tính vẫn lây. Vì thế cần tính đến các viện có khu vực điều trị COVID-19, có quy trình cho bệnh viện. Các bệnh viện cần hệ thống thông khí, làm sạch để không khí được đối lưu liên tục. Đó là giải pháp đắt tiền nhưng phải làm.Thứ ba là có phương pháp điều trị mới, điều trị sớm sẽ giảm được tử vong. Sau này, cả khi có những ca mắc mà chưa được tiêm vaccine nhưng nhờ có thuốc, phác đồ điều trị thì đâu sợ COVID-19 nữa. Khi đó phải kiểm soát, không để cho virus lưu hành phổ biến.Nếu chúng ta không chuẩn bị đồng bộ, giống như xây bệnh viện chỉ đếm giường điều trị mà không kịp chuẩn bị cả các phương án chi tiết đến từng ổ cắm điện, ống dẫn oxy và van điều áp, nhà vệ sinh, thông gió thoáng khí, cơm ăn cho cả bệnh nhân và bác sĩ, thì bệnh nhân sẽ tử vong nhiều. Giường như vậy thì nằm ở nhà tốt hơn.Nói vậy nhưng có sự lúng túng, không kịp chuẩn bị trong chỉ đạo chống dịch nói chung, ở mọi nơi.Thực ra đối diện với dịch bệnh là khó, ở nước nào cũng tranh luận, ai cũng lúng túng. Nhưng trong bối cảnh đó, điều cần thiết nhất ở cấp chiến lược là vạch được con đường rõ ràng, khi nhìn vào đó cả nhà quản lý ở địa phương và người dân thường đều biết là phải đi đâu, nếu chưa đạt được hoặc sai thì sửa từ đâu. Có lẽ đã có chiến lược như vậy, nhưng cá nhân tôi chưa được thấy.Năm đầu tiên Việt Nam làm tốt vì “tiên hạ thủ vi cường”, có thông tin sớm về Vũ Hán, vài ca đã phong tỏa, cách ly là hết, và chủng ban đầu không lây nhanh. Giai đoạn đó người dân, doanh nghiệp còn sức chịu đựng cả về kinh tế và tâm lý. Kinh nghiệm trên thế giới là phong tỏa lần đầu, lần hai ổn, nhưng về sau người ta sẽ chán nản. Các mô hình tính toán trên thế giới cũng cho thấy vụ dịch đầu tiên nhỏ, càng các vụ sau càng to hơn, Việt Nam cũng vậy.Tiếc là chúng ta không tận dụng thời gian vàng một năm đó để chuẩn bị tích cực cho vụ dịch mới càng về sau sẽ càng to. Ta có thời gian để nâng cao năng lực ứng phó. Nói thẳng thắn là cuối năm ngoái chỉ có một đơn vị tư nhân đặt mua vaccine, chứ Chính phủ đã đặt niềm tin quá lớn vào COVAX. Vaccine là vũ khí chính mà mình lại đi xin, trong khi các nước giàu họ phải “thu vén” cho họ trước. Từ tháng 10 năm ngoái chúng tôi đã làm báo cáo đánh giá hệ thống tiêm chủng, khả năng sản xuất vaccine trong nước và đề nghị là chuyển giao công nghệ sản xuất AstraZeneca ở trong nước, giống như Thái Lan đã làm. Không phải là chúng ta không thể phát triển vaccine nội địa mà vì năng lực còn hạn chế nên việc tự chế tạo sẽ lâu hơn chuyển giao. Phát triển nâng cao năng lực là cần, buộc phải làm, nhưng cũng phải nhận chuyển giao công nghệ để có vaccine nhanh và tự chủ. Đó mới là điều khả thi trong điều kiện Việt Nam.Vừa rồi Thủ tướng đứng ra chịu trách nhiệm chính, mọi thứ quy về một mối rồi. Giờ người dân mong đợi một chiến lược có tầm nhìn, mục tiêu, mục đích rõ ràng, từ đó đưa ra hành động tương ứng. Từ chiến lược đó, các tỉnh sẽ biết mình phải đi đâu, có hành động phù hợp với định hướng chiến lược. Và chiến lược phải được đánh giá và chỉnh sửa liên tục.Còn trong lúc này, cứ chia nhỏ từng vấn đề ra để xử trí thôi. Rất buồn là trong đợt dịch này, người chết hầu hết là người cao tuổi - nhóm người mà việc ưu tiên tiêm vaccine chưa được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, tôi nghĩ kịch bản của chúng ta không đến nỗi quá xấu vì đang có vaccine, vấn đề là tiêm cho ai mà thôi.Có lẽ điều “tích cực” mà COVID-19 mang lại là các chính sách đều có hệ quả ngay, người dân phản ảnh ngay, người làm quản lý buộc phải điều chỉnh luôn? Điều đó cũng đòi hỏi quá trình ra quyết định phải có cơ sở khoa học, thực tiễn, dựa trên dữ liệu để tránh hệ quả không mong muốn? Một điểm khó chính là dữ liệu manh mún, phân tán, thiếu hoặc không sử dụng được. Ví dụ, từ nguồn báo cáo của Bộ Y tế, các sở y tế các tỉnh và các báo chính thống về dữ liệu các ca nhiễm COVID-19 hiện nay, chúng tôi chỉ nắm được nhóm tuổi, tử vong cho một giai đoạn ngắn mà không có dữ liệu về đặc điểm xã hội của các ca nhiễm nên không thể phân tích sâu hơn. Nhưng sửa lại thì hoàn toàn trong tầm tay. Bây giờ các cơ quan cứ minh bạch, công khai, thiết lập cơ sở dữ liệu tốt, kết nối tất cả các nơi, cả nhà khoa học và cơ quan quản lý đều có thể phân tích rồi đưa ra các chỉ số đánh giá. Khi đó, chúng ta sẽ biết hệ thống đang yếu ở đâu nâng ở đó, và đưa ra quyết định dựa trên số liệu xác tín. Người dân có thể ủng hộ hoặc không, nhưng họ sẽ thấy rằng mọi quyết định đưa ra đều có căn cứ.Ví dụ, việc Hà Nội đang phân vùng xanh - đỏ - vàng có thể vẫn khiến người dân phản đối, nhưng khi minh bạch cơ sở xác định tiêu chí màu dựa trên số ca nhiễm thì người dân sẽ biết rằng đó là một quyết định có căn cứ chứ không ai bịa ra. Tới đây, khi cập nhật thêm dữ liệu tiêm chủng ở từng vùng thì người dân thấy rõ hơn và sẽ tin tưởng các quyết định chính sách đó. Tiến sĩ Nguyễn Thu AnhNếu chúng ta không bao giờ còn quay lại “Zero COVID” được nữa thì sao? Từ tháng 2-2020, tôi đã viết một báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng với nhận định rằng COVID-19 sẽ không biến mất trong vài năm nữa và ta phải chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta đang câu giờ để chờ vaccine. Nhưng kể cả tiêm phủ vaccine rồi thì virus vẫn lưu hành hoặc có biến thể thoát vaccine, có những ca vẫn tăng nặng nên vẫn phải nâng cao năng lực điều trị. Phải có hệ thống cảnh báo, có các chỉ số ở mức nào thì phải giãn cách để không bị quá năng lực điều trị.Và trong cuộc sống của chúng ta sẽ có rất nhiều điều phải làm. Một trong những điều cơ bản là thiết kế lại các hoạt động sống đảm bảo giãn cách và thông khí. Trong các công trình xây dựng, nhà máy, trường học, bệnh viện, tòa nhà, văn phòng... phải có tiêu chuẩn về thông khí. Tất cả đều phải thay đổi, không chỉ để khống chế COVID-19 mà còn giảm bệnh lây truyền khác. Nhiều nước đã ban hành hướng dẫn về từng hạng mục cụ thể (kinh nghiệm của Úc chẳng hạn), còn mình chưa nghĩ tới kịch bản đời sống hậu đại dịch sống chung với virus.Riêng việc thông khí đã có rất nhiều thứ phải nghiên cứu. Không chỉ là mở cửa sổ, bật quạt... mà cần các nhà khí động học đưa giải pháp xây dựng, bố trí nơi ở, làm việc để thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, lọc không khí, xếp đặt các vị trí ngồi làm việc hoặc học hành của trẻ ra sao, những nơi đông người thì sắp xếp như thế nào để giãn cách, thông khí. Khi đó, nồng độ virus loãng đi, và có vaccine thì chưa chắc đã bị lây. Về lâu dài, các chỉ tiêu đánh giá về mức độ phát triển sẽ phải thay đổi. Không chỉ coi phát triển kinh tế là tiêu chí hàng đầu nữa mà phải có chỉ tiêu về sức khỏe, tuổi thọ, chỉ số về hạnh phúc. Sống ngắn mà hạnh phúc và khỏe mạnh còn hơn sống dài mà khổ đau. Nhưng có lẽ còn lâu VN mới làm được điều đó. Hiện nay, chị thấy điểm sáng nào trong mô hình chống dịch ở các địa phương? Tôi thấy mô hình quận 7 của TP.HCM. Quận 7 có điều kiện kinh tế, nhưng vấn đề không phải là tiền mà là nhà quản lý ở đó có lắng nghe người dân để tìm các giải pháp phù hợp hay không. Tôi làm việc trực tiếp với một vị phó chủ tịch quận thì nhận thấy có sự lắng nghe, cân nhắc đưa ra quyết định, vướng mắc tới đâu là nhìn lại quy trình để gỡ. Ví dụ người dân phản ảnh không đi được bệnh viện thì cho người xuống đưa đi ngay, chỉ một lần như vậy thì hệ thống, quy trình buộc phải được sửa để chạy. Quận chia từng phường thành các nhóm vài chục hộ, nắm thông tin, điều phối hỗ trợ nên không có sự rối loạn khi các nhà tài trợ đi ủng hộ mà không biết là ai cần ai không, đi lại nhiều làm tăng tỉ lệ di chuyển. Lúc đầu họ cũng bối rối nhưng điều chỉnh, vừa làm vừa gỡ. Cái chính là phải có niềm tin rằng mình sẽ kiểm soát được, đừng có buông. Và phải làm thực chất, có cái nhìn tổng quát để xử lý, không chỉ là việc lớn mà cả việc nhỏ, điều phối sao cho hiệu quả.Thay vì đặt mục tiêu tiêm phủ cho 50% dân số đến hết năm 2021, nên đặt mục tiêu tiêm phủ cho 100% người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền như khuyến cáo của WHO. Bởi theo tính toán của nhóm chuyên gia 5F do TS Nguyễn Thu Anh đứng đầu, tổng hợp từ dữ liệu 74.652 ca nhiễm COVID-19, cứ 2 người từ 75 tuổi trở lên nhiễm thì 1 người tử vong; 3 người 65 - 74 tuổi nhiễm thì 1 tử vong; 10 người 50 - 64 nhiễm thì 1 tử vong. Trong khi các nhóm thanh niên nhiễm virus thì tỉ lệ tử vong là rất nhỏ: nhóm 18 - 29 chỉ khoảng 0,1% ở nữ và nam 0,2%, nhóm 30 - 39 chỉ tương ứng là 0,6% và 0,9%. Khi chưa có vaccine, Hoa Kỳ cũng phải gánh chịu điều tương tự: so với nhóm 18 - 29 tuổi thì nhóm từ 85 tuổi có nguy cơ tử vong cao gấp 600 lần, 75 - 84 cao gấp 230 lần, 65 - 74 cao gấp 95 lần, 50 - 65 cao cấp 35 lần. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Sống chung với virus corona: con đường phía trước Tiếp theo Tags: Đại dịchCOVID-19VirusVaccineSống chung với virusTS Nguyễn Thu AnhVaccine ngừa Covid
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.