Nếu Van Gogh sai AI vẽ tranh rồi chép lại...

NGUYỄN PHƯƠNG VĂN 16/09/2022 05:41 GMT+7

TTCT - Giả sử nếu Van Gogh còn sống và yêu cầu AI sáng tác tranh rồi vẽ lại cái tranh ấy bằng sơn dầu thực sự, lúc đó tác giả tranh là Van Gogh, hay Van Gogh chỉ là đồng tác giả?

Nếu Van Gogh sai AI vẽ tranh rồi chép lại... - Ảnh 1.

Tranh nền tảng AI NightCafe Creator vẽ theo phong cách Van Gogh. Ảnh: Neti

Các nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI: artificial intelligence) đang làm con người kinh ngạc... ở mức độ vừa phải về khả năng vẽ tranh của nó. Tranh do AI vẽ, tất nhiên vẫn phải dựa theo các gợi ý của con người, nhìn khá ấn tượng.

Việc AI vẽ "đẹp" không có gì ngạc nhiên!

Một sinh viên hội họa bình thường sẽ rất vất vả khi phải học lịch sử mỹ thuật, các trường phái và các phong cách hội họa, tìm hiểu các tác giả và các tác phẩm. Chưa kể họ còn phải học về đủ các loại chất liệu, vật liệu và công cụ dùng để vẽ. Họ có thể phải học rất nhiều năm hoặc cả đời mà chưa thuộc được hết. 

Nhưng AI học rất nhanh, kiểu "xoẹt phát là xong", và nó chẳng bao giờ nhầm lẫn hoặc quên. Nếu ta đưa một bức tranh của một tác giả không nổi tiếng lắm, hoặc còn đang trẻ và chưa nổi tiếng, ra đố xem ai là tác giả, một nhà phê bình hay nghiên cứu hội họa vẫn có thể đoán sai tác giả, nhưng AI đoán thì gần như chính xác 100% (nếu như nó đã từng được "xem" tranh của tác giả ấy).

Tương tự như vậy là kỹ năng vẽ và phong cách thể hiện. Họa sĩ dù tài năng và được đào tạo tốt đến mấy cũng chỉ làm chủ được một số giới hạn các kỹ thuật, kỹ năng và bút pháp. Nhưng AI thích thi triển kỹ năng gì, vẽ theo phong cách nào, sử dụng chất liệu gì cũng đều làm được hết. Nếu muốn, nó có thể vẽ theo phong cách Nguyễn Phan Chánh bằng tài nghệ của Picasso.

Rất may là nghệ thuật hiện đại có vẻ như đang đề cao ý tưởng (ideas) hơn là thẩm mỹ (aesthetics). Tất nhiên tranh vẫn cần vẽ đẹp, nhưng ý tưởng quan trọng hơn. Thêm nữa, các ý tưởng đó còn phải được các nhà phê bình hội họa diễn giải ra thành lời. 

Các nhà phê bình, giả sử không diễn giải vì thân quen tác giả hay được gallery trả tiền mồi, chỉ có thể diễn giải tác phẩm dựa vào hiểu biết riêng của họ về tác giả (xuất thân, trình độ, tư tưởng, tính cách, trường phái...). Họ không thể diễn dịch tranh của một cái máy.

Và tất nhiên, một cái máy dù thông minh đến mấy cũng không thể nào biết sáng tạo, tức là tạo ra ý tưởng mới. Ít ra đến lúc này là vậy. AI vẽ tranh hiện vẫn đang cần người ra đề bài và gợi ý vẽ, nhưng dù người dùng có ý tưởng sáng tạo đến mấy thì AI cũng là kẻ được sai khiến thể hiện cái ý tưởng đấy. Và như vậy tác phẩm đã mất đi tính sáng tạo của hội họa, hay thi ca, như ta xưa nay vẫn nhìn nhận.

Cuối cùng, một tác phẩm nghệ thuật mà đem mua bán được thường phải là một tác phẩm vật lý (tức là nó tồn tại ngoài đời thực, choán chỗ trong không gian thực, sờ được, cầm lên được, hít ngửi mùi toan mùi dầu được, thậm chí mặt tranh còn không phẳng lì nhẵn nhụi mà đầy các nét cọ nét bay quết sơn dầu nổi lên chìm xuống). Và nó phải được "tạo tác" bằng bàn bàn tay khéo léo và đôi mắt nghệ thuật của một con người bằng xương bằng thịt.

Nếu Van Gogh sai AI vẽ tranh rồi chép lại... - Ảnh 2.

Tác phẩm thời kỳ đầu, khi Van Gogh còn trẻ và tụt hậu trong cuộc đua với công nghệ mới (máy ảnh)

Nếu Van Gogh sai AI vẽ tranh rồi chép lại... - Ảnh 3.

Tác phẩm của Van Gogh khi ông tìm ra lối đi mới, chiến thắng công nghệ








Nhưng giả sử nếu Van Gogh còn sống, ông ta thuê bao một account AI và yêu cầu AI này sáng tác tranh rồi vẽ lại cái tranh ấy bằng sơn dầu thực sự thì sao. Lúc đó tác giả tranh là Van Gogh, hay Van Gogh chỉ là đồng tác giả?

Câu hỏi này không đi quá xa với sự thực lịch sử. Ở thời Van Gogh, máy ảnh bắt đầu đi vào đời sống thương mại. Những năm 1830 là quãng thời gian máy ảnh Daguerre ra đời và thương mại hóa, trong đó quan trọng nhất là người được chụp ảnh chỉ phải ngồi yên trước ống kính có... 30 phút thay vì phải ngồi vài tiếng đồng hồ như máy ảnh đời cũ. Trước đó, chỉ những nhà có của một chút mới dám thuê họa sĩ vẽ chân dung. 

Ở thời điểm Van Gogh trưởng thành (ở khía cạnh nghề nghiệp là họa sĩ) vào những năm 1881-1882, khi ông chưa đến 30 tuổi, thì người dân Paris trung lưu cũng đã có thể đến hiệu ảnh để thuê chụp cho mình một tấm ảnh chân dung. Đòi hỏi phải sáng tác theo hướng đi mà công nghệ (chụp ảnh) không thể làm được, đã tạo ra Van Gogh và các tác phẩm triệu đô như chúng ta biết ngày nay.

Tương tự như vậy, có thể công nghệ AI sẽ buộc các Van Gogh thời hiện đại phải đi theo một hướng nào đó mà AI "chịu chết" không thể nào làm được.

Nhưng việc này, nếu có xảy ra, chúng ta cũng phải đợi chờ từ từ qua thời gian mới biết được.

Ở hiện tại, các họa sĩ AI mới chỉ cho thấy năng lực vượt trội của chúng so với các họa sĩ con người ở lĩnh vực học hỏi và bắt chước. AI chưa thể hiện được nhiều năng lực "sáng tác" và "sáng tạo" đúng nghĩa, trong khi phát minh ra cái mới nói chung và sáng tạo nghệ thuật nói riêng lại chính là năng lực độc đáo nhất của con người.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận