01/06/2017 15:55 GMT+7

Nếu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Câu trả lời cuối cùng từ Tổng thống Mỹ sẽ có vào chiều 1-6, tức rạng sáng 2-6, theo giờ Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là nếu Mỹ rút lui thì sao? 

Bức ảnh với dòng chữ
Bức ảnh với dòng chữ "Nước Mỹ, một mình" được tờ Washington Post sử dụng để mô tả kết quả nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu - Ảnh: Washington Post

Sự thoái lui của Mỹ đồng nghĩa với sự rút lui của quốc gia thải ra lượng khí thải nhiều thứ hai trên thế giới, gần 18% lượng khí thải toàn cầu mỗi ngày. 

Nói như báo Washington Post, khi anh là trụ cột trong một tổ chức với trách nhiệm rất cao, việc anh rút lui sẽ khiến những thành viên còn lại hoang mang. Sự thoái lui của Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn trực tiếp đến thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. 

Thế giới hồi hộp

Là thỏa thuận đa phương lớn nhất từng được ký, nhưng khi Mỹ rút lui, 194 quốc gia còn lại sẽ bắt đầu nghi ngờ về trách nhiệm và vai trò tương lai của họ. Nếu Washington rút lui, nó sẽ tạo tiền lệ xấu, không chỉ trong các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu sau này (nếu có) mà còn là "tấm gương sáng" cho việc đặt lợi ích quốc gia trên hết, trên trách nhiệm quốc tế.

Câu trả lời cuối cùng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có vào rạng sáng mai (2-6) giờ Việt Nam. Nhà lãnh đạo Mỹ đã kết thúc thông báo trên Twitter của mình bằng khẩu hiệu quen thuộc "Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa!"

“Chúng ta sẽ không tìm cách áp đặt cách sống của mình vào bất cứ ai, mà để nó tỏa sáng như một tấm gương. Chúng ta sẽ tỏa sáng cho mọi người noi theo” - ông Donald Trump đã từng tuyên bố như thế trong diễn văn nhậm chức ngày 20-1. Và giờ, có lẽ ông Trump nên nghĩ lại những gì đã nói.

Truyền thông thế giới và Mỹ qua nay bắt đầu dồn sự chú ý về Nhà Trắng, hồi hộp như chờ đợi "giờ G". Tổng thống Trump đang đứng trước áp lực không chỉ từ báo giới, mà còn từ các quốc gia đồng minh khác vốn đã phê chuẩn thỏa thuận Paris. Anh, Pháp, Đức đều lên tiếng thuyết phục Mỹ ở lại.

Một ngày trước giờ "G", Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tiếp tục khẩn thiết yêu cầu Tổng thống Trump suy nghĩ lại, thừa nhận "đang vận động hành lang ở tất cả các cấp tại Mỹ nhằm" níu kéo Washington.

Mỹ rút, Trung Quốc hưởng lợi

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo ngày 1-6 khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục ở lại thỏa thuận Paris kể cả khi Mỹ đã rút lui. Trung Quốc cũng là quốc gia thải ra lượng khí thải hàng năm nhiều nhất thế giới. 

Giới quan sát nhận định việc Bắc Kinh tiếp tục giữ cam kết ở lại thỏa thuận Paris có thể cải thiện hình ảnh và giúp họ giành được cảm tình của nhiều nước. Quan trọng hơn, nó còn thể hiện hình ảnh Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm và sức ảnh hưởng trên thế giới, đúng như những gì Bắc Kinh mong muốn.

"Chiếc áo mà ông Obama đã mặc, giờ sẽ được khoác lên bởi các quốc gia khác", tờ Washington Post viết, ám chỉ thỏa thuận Paris là một trong những thành tựu lớn mà Mỹ đạt được dưới thời tổng thống Barack Obama.

Ngay trước thềm cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh và Brussels đã cùng ra một bản tuyên bố "quyết tâm tiến lên phía trước" bằng các biện pháp khả dĩ để "dẫn đầu cuộc chuyển đổi năng lượng".

"Giải quyết những thách thức từ tình trạng biến đổi khí hậu và cải cách hệ thống năng lượng là động lực quan trọng để tạo ra việc làm, cơ hội đầu tư và tăng trưởng kinh tế", tuyên bố chung nhấn mạnh.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 30-5 đã đưa ra cảnh báo chung đối với Mỹ, rằng nếu Washington rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu, các quốc gia khác sẽ thay thế.

Không chỉ có Nga và Trung Quốc, nếu nhìn vào các cường quốc khu vực như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, khi ai đó rời chỗ, người khác sẽ thay thế. Nếu để lại khoảng trống cho người khác, bạn có thể đang tạo ra vấn đề an ninh cho chính mình"
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres

Truyền thông đang tung hỏa mù?

Thông tin Tổng thống Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 28-5, chỉ một ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển (G7) kết thúc trong bất đồng về chống biến đổi khí hậu. 

Ông Trump tuyên bố sẽ đưa ra quyết định có ủng hộ và thực thi thỏa thuận Paris hay không sau khi về nước, nhưng theo trang tin tức Axios ngày 28-5, vai trò tương lai của Mỹ trong thỏa thuận Paris đã được định đoạt ngay khi ông Trump rời hội nghị.

Washington chắc chắn sẽ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu có hiệu lực toàn cầu được 195 nước ủng hộ, Axios dẫn 3 nguồn thạo tin khẳng định tổng thống Mỹ đã nói như thế.

Ngày 31-5, truyền thông Mỹ trong đó có nhiều báo đài vốn không ưa ông Trump như CNN, Washington Post, New York Times đồng loạt dẫn "nguồn tin từ 2 quan chức Nhà Trắng" khẳng định chắc như đinh đóng cột: Tổng thống Trump đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris!

Thông tin chi tiết về việc rút Mỹ khỏi hiệp định đang được thảo luận bởi một nhóm nhỏ trong đó có ông Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). Việc rút hoàn toàn khỏi hiệp định này có thể kéo dài trong 3 năm, truyền thông Mỹ đưa tin.

Nếu Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, Mỹ sẽ là quốc gia thứ 3 đứng ngoài thỏa thuận mang tính đồng thuận toàn cầu này. Theo Washington Post, trước đó chỉ có Syria và Nicaragua từ chối phê chuẩn. 

Lý do được Nicaragua đưa ra là do các điều khoản trong thỏa thuận vẫn chưa đủ mạnh và không có chế tài xử lý các quốc gia vi phạm. Còn Syria, quốc gia đang chìm trong bất ổn và xung đột, có nhiều mối quan tâm hơn một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên