Ý kiến trên của bà Lê Thị Minh Hằng - thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện.
Ngày 9-8, Hội thảo quốc gia thường niên về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra tại TP.HCM.
Các ý kiến tham luận xoay quanh những thực trạng, khó khăn về vấn đề sao chép, vi phạm quyền sở hữu tác phẩm trên một số lĩnh vực: xuất bản, nhiếp ảnh, phim... và các giải pháp để thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan để hội nhập quốc tế.
Hơn 1,5 tỉ lượt xem lậu bóng đá mỗi mùa giải
Tại hội thảo, theo luật sư Phan Vũ Tuấn - phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, các đối tượng dễ bị sao chép nhất trên nền tảng số gồm: giáo trình, truyện tranh, phim ảnh, chương trình phát sóng…
Ở lĩnh vực xuất bản, ông Tuấn cho hay có hơn 300 đầu sách của Nhà xuất bản Trẻ đang bị làm giả, làm lậu. Đây là nhóm 20% số sách bán chạy nhất, đem lại 80% doanh số cho nhà xuất bản.
Trong 5 tháng đầu năm, đã có 66.433 trường hợp vi phạm quyền đối với phim Việt Nam của K+ trên các nền tảng số.
Đặc biệt, vấn đề vi phạm bản quyền bóng đá ghi nhận con số đáng báo động khi chỉ từ tháng 8-2022 đến tháng 8-2023, có gần 1.000 website vi phạm đã bị xử lý.
Trong đó, có khoảng 100 website vi phạm thu hút 1,5 tỉ lượt xem trong một mùa giải 2022-2023.
Riêng các mùa giải 2023-2024, K+ ghi nhận hơn 5 triệu trường hợp vi phạm trên nền tảng số, vi phạm nhiều nhất là trên nền tảng Facebook.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ông Đoàn Hoài Trung, chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, cho biết nhiều khách sạn hiện nay lên mạng lấy hình rửa treo trong các phòng mà không hề xin ý kiến, trả tiền nhuận ảnh cho tác giả.
Như trường hợp nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo phát hiện một khách sạn lớn ở Hà Nội treo hơn 100 bức ảnh của ông mà không xin phép.
"Họ cho rằng đã lên mạng là họ có quyền lấy sử dụng. Tình trạng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của các công ty, doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu tác phẩm nhiếp ảnh diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, nhất là việc sử dụng ảnh cho mục đích quảng bá kinh doanh" - ông Trung nói.
Tác giả cần tự bảo vệ quyền lợi của mình
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhấn mạnh sự chủ động của các tác giả trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Đây được coi là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền.
"Việc chủ động đăng ký bản quyền cho các tác phẩm là cách tốt nhất để được luật pháp bảo vệ trước những hành vi xâm phạm" - ông Trung nói.
Bà Lê Thị Minh Hằng, thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, khuyến nghị các tác giả nên cân nhắc việc ủy quyền cho các tổ chức đại diện tập thể để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bà Hằng nêu ví dụ về trường hợp nghệ sĩ Thương Tín, người đã bị lạm dụng hình ảnh trên nhiều phương tiện truyền thông mà không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào:
"Nếu nghệ sĩ Thương Tín có sự ủy quyền bảo vệ hình ảnh, các nền tảng truyền thông kiếm lợi từ việc sử dụng hình ảnh của ông sẽ buộc phải trả tiền bản quyền hoặc dừng ngay việc khai thác hình ảnh đó".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Hằng cho biết hiện nay các tác giả có thể sử dụng các hệ thống đăng ký bản quyền số như: Dangkybanquyenso.vn, Vietcopyright.com... để bảo vệ các tác phẩm của mình từ giai đoạn lên ý tưởng, bản thảo...
Khi bị xâm phạm bản quyền, nền tảng số sẽ dựa trên dữ liệu do tác giả cung cấp để có cơ sở rà soát các vi phạm.
Ngoài ra, đây cũng là kênh giúp các tác giả có thể bán và phân phối tác phẩm của mình trên thị trường toàn cầu.
Về mặt luật pháp, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ bản quyền tác giả, rà soát và điều chỉnh các văn bản dưới luật để đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và có thể áp dụng rộng rãi trong 12 ngành công nghiệp văn hóa.
Anime và manga Nhật Bản cũng bị xâm phạm bản quyền
Đối với truyện tranh, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường phối hợp với các cơ quan điều tra nước ngoài để ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến đối với phim hoạt hình (anime) và truyện tranh (manga), sau khi các tác giả của loạt truyện tranh nổi tiếng như One Piece và Jujutsu Kaisen phải chịu tổn thất ước tính rất lớn từ các bản sao lậu.
Các bản dịch trái phép được tung lên mạng ước tính tiêu tốn của các nhà xuất bản Nhật Bản tới 5 tỉ USD/năm và làm giảm thu nhập của các họa sĩ truyện tranh sống dựa vào tiền bản quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận