Để làm rõ vấn đề phát triển cầu hay cáp treo vào Thanh Đa, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia quy hoạch, trong đó có liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR).
Hạn chế tối đa bê tông hóa
Theo các chuyên gia, việc làm hạ tầng tăng tính kết nối giao thông cho bán đảo Thanh Đa nhưng hạn chế tối đa bê tông hóa là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt phải gắn liền ý tưởng đề xuất quy hoạch bán đảo này thành khu sinh thái.
Bà Trần Phương Trà - giám đốc Mạng lưới Chính sách kinh tế của AVSE Global - cho biết TP.HCM nói chung và Thanh Đa nói riêng đang là nơi chịu ảnh hưởng ngập nước nhiều nhất.
Vì vậy, việc quy hoạch phát triển Thanh Đa nếu làm cầu lớn hoặc mở rộng nhiều đường vào thì sẽ tăng lượng xe cộ (đặc biệt là ô tô). Từ đó dẫn đến việc phải có chỗ để xe và bê tông hóa. Một giải pháp đang được nghiên cứu là làm cáp treo, sẽ giải quyết được vấn đề vừa nêu trên.
Đồng thời, dựa theo ý tưởng quy hoạch bán đảo Thanh Đa thành khu sinh thái, tôn trọng những điều kiện tự nhiên sẵn có thì việc làm cáp treo để kết nối các khu vực vào bán đảo đang là phương án tốt nhất có thể.
Ngoài ra, bà Trà cho biết thêm tại châu Âu cũng có nhiều đảo chỉ có một cây cầu dẫn từ đất liền vào trong. Điều này vô hình trung giảm được lượng ô tô vào đảo.
Tuy nhiên, tại một nơi có mật độ dân số cao như TP.HCM có thể xem xét làm thêm 1 hoặc 2 cây cầu nhưng với diện tích nhỏ, hoặc thậm chí chỉ làm cầu đi bộ để giảm tối đa lượng xe cá nhân đi vào.
Vấn đề này đang được đánh giá mặt tổng thể, còn chi tiết cần phải nghiên cứu sâu hơn về hạ tầng hiện hữu ở bán đảo.
Nếu làm theo phương án cáp treo, trụ đón đầu vào trong Thanh Đa (có thể ở trung tâm bán đảo) sẽ được xây dựng hạ tầng một cách vừa phải, ít ảnh hưởng nhất đến thiên nhiên. Điểm đón đầu sẽ được quy hoạch tập trung xe cộ đi lại (ưu tiên loại công cộng như xe buýt, xe đạp).
Khi ý tưởng làm cáp treo trong khu sinh thái được hình thành, chúng ta cũng cần phải định hình lại tuyến buýt sông (Water bus) bằng cách tăng chuyến hoạt động thường xuyên hơn, có chuyến từ nhiều nơi đến bán đảo và tăng số bến quanh đảo để "kích cầu" du lịch.
Làm cáp treo: Có thể vừa đi vào Thanh Đa vừa được ngắm cảnh
Tương tự, ông Laurent Perrin, nhà quy hoạch cấp cao của Viện Quy hoạch vùng Paris và bà Nguyễn Thị Thu Trà, giám đốc Dự án chiến lược phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn, cũng cho rằng cần làm cáp treo kết nối bán đảo Thanh Đa để giảm thiểu sự bê tông hóa và phát triển bán đảo dựa vào thiên nhiên, vốn có sẵn.
"Tất cả thiết kế đều phải tạo ra được cảm xúc cho những người tới đây và hạn chế tối đa bê tông hóa. Các hoạt động, cơ sở hạ tầng cũng cần gần thiên nhiên và gắn liền với địa hình, như việc làm cáp treo để có thể vừa đi vào Thanh Đa vừa được ngắm cảnh.
Vì bán đảo còn có những đoạn đầm lầy hiện hữu và có những khu vực trong năm bị ngập. Chúng ta tôn trọng điều kiện tự nhiên và làm các hoạt động dựa trên điều kiện ấy để nó trở nên thú vị, độc đáo", ông Laurent Perrin cho hay.
Về vấn đề nêu trên, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng quy hoạch, phát triển Thanh Đa theo cách giảm xây dựng bê tông hóa và giữ gìn mảng xanh, hệ đa sinh thái là ý tưởng tốt.
Tuy nhiên, dù muốn quy hoạch như vậy thì cũng cần tăng thêm hạ tầng, điều kiện tiếp cận từ các nơi đến Thanh Đa. Làm cầu nhẹ hoặc cáp treo là hai giải pháp mà TS Cương ủng hộ.
Nhiều thuận lợi làm khu sinh thái Thanh Đa
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trà, lâu nay nhiều người chỉ biết Thanh Đa là nơi nhiều cây xanh, hồ câu cá, đầm sen. Do đó, chúng ta có thể xây dựng những điều này thành chuỗi, hệ thống hóa các hoạt động (dành cho cả gia đình đến chơi như du lịch trải nghiệm).
Chi phí cơ hội để phát triển sinh thái nơi đây rất ít vì đã có cây xanh và nước. Còn khi đến mùa cạn, Thanh Đa có thể tổ chức các lễ hội lớn, festival về âm nhạc, sự kiện văn hóa, cộng đồng..., nhưng cũng cần lưu ý tổ chức vào một khoảng thời gian nhất định, hạn chế lượng xe cá nhân vào bán đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận