Lính Mỹ và lính Jordan huấn luyện sơ tán tại Jordan - Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ
Từ nhiều thập niên Mỹ đã xây dựng một hệ thống đồng minh rộng lớn ở Trung Đông đủ sức đáp ứng những thách thức chiến lược của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, trang web lesclesdumoyenorient.com nhận định dù vậy, nếu xảy ra đối đầu với Iran, các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông vẫn tuân theo chủ nghĩa thực dụng.
Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Ai Cập
Thổ Nhĩ Kỳ - đầu cầu của Mỹ ở Trung Đông, là đồng minh được lựa chọn trong NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) bất chấp các căng thẳng hiện tại giữa hai nước xung quanh vụ Ankara kiên quyết mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 vũ khí Nga.
Căn cứ không quân Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ, nơi chứa vũ khí hạt nhân và các phương tiện không quân chiến lược như máy bay B-52.
Tuy Jordan không phải là nước thành viên NATO, Mỹ vẫn tin tưởng nước này nên bố trí các căn cứ không quân của liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và bảo đảm giữ vai trò điều phối trong xung đột Israel-Palestine.
Ai Cập được xem là đối tác của Mỹ nếu xét đến các khoản đầu tư quân sự của Mỹ cho nước này.
Mỹ nhận thức được vai trò trục xoay then chốt của Ai Cập trong phương trình an ninh khu vực. Mỹ đang đóng quân ở đây và đầu tư hàng loạt cho lực lượng an ninh địa phương.
Căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AP
Trung tâm bán đảo Ả Rập
Mỹ đã xây dựng được liên minh vững chắc với nhóm các quốc gia giữa bán đảo Ả Rập gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar và Kuwait do các vấn đề chiến lược quan trọng và hỗ tương liên kết giữa Washington với các nước này, trong đó hàng đầu là buôn bán dầu mỏ, bán vũ khí và đấu tranh chống ảnh hưởng của Iran.
Qatar đang đối đầu về ngoại giao với Saudi Arabia và UAE song ba quốc gia này đều nhất trí liên minh với Mỹ.
Israel là một trong những đồng minh gần như không thể lay chuyển của Mỹ. Ngược lại, Afghanistan, Iraq, Yemen và Pakistan liên kết với Mỹ với vai trò là khách hàng.
Các nước này phụ thuộc vào nguồn viện trợ tài chính và chính trị của Mỹ nên có thể chơi trò ngoại giao kép. Ví dụ Iraq không quên giai đoạn Mỹ chiếm đóng từ năm 2003-2011 và đang nghiêng về Iran.
Quân đội Mỹ quay trở lại Saudi Arabia năm 2019 - Ảnh: rferl.org
Hai đồng minh gần nhất
Trong khi tuyên bố không tìm cách đối đầu, Thái tử Mohammed bin Salman vẫn khẳng định Saudi Arabia "sẽ không ngần ngại đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào đối với người dân, chủ quyền hoặc lợi ích sống còn của chúng tôi".
Thái tử Salman duy trì luận điệu chiến tranh trực tiếp hoặc gián tiếp đối với Iran. Một tờ báo của Saudi Arabia do anh trai ông sở hữu hồi tháng 6-2019 đã từng kêu gọi Mỹ không kích có chọn lọc đối với Iran.
Luận điệu hiếu chiến này đi kèm với cam kết quân sự thực tiễn. Lần đầu tiên từ năm 1991, Saudi Arabia đã chào đón quân đội Mỹ trở lại theo thỏa thuận ký kết với Mỹ ngày 19-7-2019.
Quân đội Mỹ đóng quân tại căn cứ không quân "Hoàng tử Sultan" với quân số ban đầu 500 quân và hàng chục máy bay quân sự. Mỹ còn dự kiến triển khai các tổ hợp tên lửa đất đối không Patriot ở Saudi Arabia.
Ngoài Saudi Arabia, Mỹ còn tin tưởng vào Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định mong muốn lập mặt trận chung với Mỹ để đương đầu với hành động "xâm lược" của Iran.
Từ nhiều năm nay, ông đã kêu gọi can thiệp quân sự vào Iran để ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Dù vậy, đối đầu quân sự với Iran không đơn giản vì bên cạnh Israel có từ 20.000-25.000 chiến binh Hezbollah ở Syria và Lebanon được Iran hậu thuẫn.
Qatar luôn kêu gọi kiềm chế vì nguồn khí đốt xuất khẩu phụ thuộc tình hình ổn định khu vực - Ảnh: GALUS AUSTRALIS
Chủ nghĩa thực dụng
Căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng sẽ thử thách mạng lưới đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Trên thực tế, hầu hết đồng minh Mỹ trong khu vực đều thích chơi ván bài xoa dịu và hòa giải, thậm chí giữ thái độ trung lập.
UAE luôn tỏ thái độ do dự. Nếu xảy ra đối đầu quân sự, doanh thu từ dầu mỏ và du lịch của UAE sẽ tuột dốc do bờ biển trải dài phần lớn vịnh Persic và vịnh Oman.
Qatar có vị trí tách biệt với các nước láng giềng trong bán đảo Ả Rập nên tiếp cận gần hơn với Iran trong những năm gần đây.
Qatar đang đứng giữa ngã ba đường, một mặt là nguồn khí đốt xuất khẩu đi qua eo biển Hormuz phụ thuộc vào tình hình ổn định khu vực. Mặt khác, Qatar là nơi bố trí căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất khu vực với gần 11.000 quân và hàng trăm máy bay quân sự. Do đó, Qatar luôn kêu gọi kiềm chế.
Iraq, Bahrain và Kuwait đều là các quốc gia xuất khẩu dầu nên phụ thuộc vào tình hình ổn định khu vực.
Vì vậy họ rất chừng mực trong bình luận, ngay cả thậm chí không thể hiện chính mình.
Ví dụ với nguồn thu từ dầu mỏ chiếm gần 95% chi tiêu quốc gia, Iraq không muốn xảy ra đối đầu vũ trang. Bằng chứng là Iraq phản ứng rất ít trước vụ tên lửa bắn vào cơ sở của ExxonMobil (Mỹ) ở Basra ngày 19-6-2019.
Các quốc gia khác trong khu vực dù đó là Jordan, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra ít quan tâm đến khủng hoảng Mỹ-Iran vì kinh tế của họ ít tương quan với tình hình ổn định chính trị-quân sự của eo biển Hormuz so với các nước láng giềng ở vịnh Persic.
Chưa kể trước ngày 2-5-2019, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhập khẩu dầu của Iran mà không phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Do đó, nước này chủ yếu chỉ giữ thái độ quan sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận