Nếu quả sấu biết kể chuyện đời mình...

PHẠM GIA HIỀN 13/07/2022 16:37 GMT+7

TTCT - Quả sấu cứ thế lăn, dài như đời người, dài hơn đời người...

Nếu quả sấu biết kể chuyện đời mình... - Ảnh 1.

Hà Nội mùa lá sấu chuyển mùa dát vàng đường phố sau cơn mưa …Ảnh: Trọng Chính

Người lái xe ôm quen ở đầu phố tôi là một người cực kỳ bận rộn, thời gian biểu một ngày của anh được chia thế này.

Mờ sáng, anh đưa rau củ quả từ ngoại thành (do chính gia đình anh trồng) vào phố, giao cho mấy quán cơm.

Gần 7h, anh đưa hai đứa trẻ con một gia đình quen tới trường, cái này là "hợp đồng" trả tiền bao tháng.

7h30, anh đưa một bà cụ đi chợ và đợi để đưa bà về. Rồi anh đứng luôn đầu ngõ đón khách vãng lai, được ai thì tốt.

Trưa, anh lượn qua các hàng cơm đã bỏ mối rau củ lúc sáng, xin nước gạo (đồ ăn thừa trút vào các thùng) chở về nhà cho lợn.

Tranh thủ cơm nước rồi vườn tược lợn gà xong xuôi, chiều anh lại chạy lên phố đón hai đứa trẻ con ban sáng từ trường về nhà. Sau đó là ca đón khách xe ôm thứ hai trong ngày, từ chiều tới tối muộn.

Tranh thủ lót dạ cái bánh mì hay bát phở, buổi tối, anh xe ôm "nhảy" sang công việc thú vị nhất của mùa hè Hà Nội: hái sấu.

Theo anh nói thì các con đường có những hàng sấu cổ thụ của thủ đô đều được thầu để hái, vào ban đêm, ở quanh hồ Gươm, dọc đường Trần Phú, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Tông Đản… Với 500.000 đồng, cả con đường ấy sẽ là của anh, trong một đêm, muốn hái bao nhiêu thì hái, rủ bao nhiêu người thì rủ. Việc còn lại là phải có mắt nhìn, có kinh nghiệm đánh giá xem sấu nhiều hay ít, quả to hay nhỏ. Bởi 500.000 đồng là giá "thầu" cho đúng một đêm, nếu đêm trước đã có nhóm khác hái sấu, hoặc sấu còn non quá chưa bõ thu hoạch thì có khi lỗ.

Nếu quả sấu biết kể chuyện đời mình... - Ảnh 2.

Người đánh giày kiêm hái sấu mùa hè trên phố Trần Huy Liệu. Ảnh: Phạm Gia Hiền

Quả sấu màu xanh, ẩn trong các tầng lá cũng xanh đậm, dày đặc, không phải người rất giàu kinh nghiệm thì khó mà nhìn ra và đánh giá chính xác từ dưới gốc. Có lần anh lỗ vì đánh giá sai, vì vội tin vào mấy chùm quả đầu cành, trong khi thực ra cả hàng cây đã bị người trước hái nhẵn. Nhưng thường thì anh thu hoạch khá, ít ra cũng cả tạ một đêm. Bán rẻ 40.000 đồng/kg thì cũng lãi gấp chục lần.

"Anh "thầu" hái sấu Hà Nội mấy mùa rồi?" - tôi hỏi. "Xem nào… Mùa này mùa thứ 5 rồi đấy anh" - anh trả lời. "Thế thì thành chuyên gia về sấu Hà Nội rồi còn gì". "Vâng, gọi thế cũng được đấy". "Tôi chỉ thắc mắc, dọc đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Bà Triệu… người ta bán sấu nhiều lắm, suốt cả mùa hè. Cứ hàng túi hàng túi, cành lá lồng phồng thì có phải chính là sấu hái từ cây ở phố ấy không?". "Trần Phú với Bà Triệu thì có, chứ Phan Đình Phùng thì không. Khu đó có cảnh binh đi tuần luôn, sao mà trèo hái sấu được. Người ta hái sấu từ Thạch Thất, Sơn Tây và các vùng trung du đưa về bán, quăng ít cành lá ra vỉa hè để "ngụy trang" thôi. Thực ra gọi là sấu rừng cũng đúng, giống ấy vỏ dày, cùi mỏng, hạt to, hơi chát. Sấu Hà Nội vẫn là ngon nhất, vỏ mỏng mà chua thanh".

Mùa sấu dài bằng cả mùa hè, và người Hà Nội có thói quen mua sấu không chỉ ở chợ. Nếu mua nhiều, họ có thể mua ở những người bán thời vụ trên hè phố. Đầu mùa là sấu non, ăn được cả hạt. Giữa mùa quả sấu to, giòn đanh bánh tẻ. Cuối hè là sấu chín, những quả vàng ươm, to như quả nhãn lồng, chấm muối ớt thì chỉ nghĩ thôi miệng bỗng dưng toàn là nước. Sấu chín, cho tới Trung thu vẫn còn nhiều, có khi xuất hiện cả trong mâm quả trẻ con phá cỗ trông trăng.

Đội quân hái sấu mùa hè đông đảo, và thường cũng chả xa lạ gì nhau. Tôi biết một đôi vợ chồng làm nghề đánh giày ở phố Trần Huy Liệu, cứ đến hè lại kiêm nghề hái và bán sấu. Họ tiêu biểu cho những cần lao sống bám vào đường phố Hà Nội, thuộc và hiểu đường phố như lòng bàn tay. Với họ, cây sấu trồng lấy bóng mát vỉa hè cũng chẳng khác cây trái trong vườn nhà, người Hà Nội hưởng bóng râm, họ tận thu quả, mà cũng là để bán cho người Hà Nội.

Nếu quả sấu biết kể chuyện đời mình... - Ảnh 3.

Phố Trần Hưng Đạo với hang sấu cổ thụ có tuổi cả trăm năm. Ảnh: Trọng Chính

THỨC QUẢ CỦA XƯA NAY, TRONG NGOÀI

Công ty công viên cây xanh thống kê Hà Nội có 1.400 gốc sấu cổ thụ, ngần ấy sấu chắc đủ cho dân thủ đô nấu canh. Nhưng cho nhu cầu cạo vỏ trữ ngăn đá tủ lạnh và ngâm làm siro giải khát, lại còn đem biếu khách thập phương, thì cần đến những nguồn sấu từ ngoại thành. Người Hà Nội sành ăn, biết đấy, nhưng vui vẻ chấp nhận. Quả sấu, như rất nhiều nông sản khác, kết nối Hà Nội với những vùng nông nghiệp phụ cận. Nhưng chính quả sấu cũng kết nối những người sống trong nội ô với nhau, theo một nghĩa tri giao tròn trịa.

Tôi đã vào tận vùng lõi rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, gặp những cây sấu hơn trăm năm tuổi. Những vè (rễ cây nổi gồ lên mặt đất - từ của dân đi rừng) sấu lớn như cánh buồm, người đứng lọt thỏm bên trong. Chỉ có những vệt đốm trắng đan xen trên thân cây khiến người ta nhận ra đó là cây sấu. "Sấu này có quả không anh?" - tôi hỏi người dẫn đường. "Có, nhưng chát lắm, sấu rừng mà lại già quá - người dẫn đường nháy mắt với tôi - Cắn không khéo là trẹo cả hàm".

Ngắm cây sấu cổ thụ trong rừng, tôi nhớ những cây sấu ở Hà Nội. Rễ sấu đúng là cực khỏe. Như ở Phan Đình Phùng, con phố đặc biệt có hai hàng cây trên cùng một vỉa hè, nửa phố là những biệt thự Pháp xưa, cây có đất để bộ rễ phát triển nên không bật gốc bao giờ. Đi dưới những hàng sấu ấy, dù ngay giữa trưa hè oi bức cũng mát rượi từ con người tới tâm hồn.

Vốn xưa quy hoạch Hà Nội thời thuộc địa, người Pháp không trồng cây ở vỉa hè các khu phố hàng (các cây ở phố được trồng ở khuôn viên tư hoặc đất làng từ trước). Các trục đại lộ (boulevard) Boulevard Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo); boulevard Carnot (nay là đường Phan Đình Phùng); boulevard Amiral Courbet (nay là đường Lý Thái Tổ)… thì hầu như chỉ có biệt thự, và cây xanh được trồng trong khuôn viên vườn (trước/sau).

Cũng trong quãng thời gian ấy, cây sấu được chọn trồng nhiều trên những phố có vỉa hè rộng trên 3m. Cây sấu lớn chậm, nhưng rễ cọc, tán gọn, thân thẳng, chống chọi được với gió to, lá rụng một mùa nhưng khô và dễ quét dọn, đặc biệt là không thu hút loại sâu bọ côn trùng nào. Người Pháp nhìn cây sấu chắc đơn thuần để lấy bóng mát điểm trang cho phố xá, hẳn là không nghĩ đến những lợi ích khác mà cây sấu mang lại cho người Hà Nội đến mãi sau này.

Nếu quả sấu biết kể chuyện đời mình... - Ảnh 4.

Những trái sấu chín từ hàng rong trên phố cổ. Ảnh: Trọng Chính

MỘT NÉT THANH CHO ẨM THỰC XỨ BẮC

Quả sấu được hái suốt cả mùa hè, và thanh nhã đi vào hàng chục món ăn đặc trưng của xứ Bắc. Từ món đơn giản như dầm nước luộc rau muống, nấu canh chua thịt băm, tới vịt om sấu, tôm xào sấu, kỳ khu hơn thì có thịt chưng sấu. Sấu sên với đường và gừng thành ô mai cho vào lọ đậy chặt cất đi, mùa đông lạnh ngậm một quả, vị chua ngọt thêm gừng cay, ấm nóng cả người.

Lá sấu, cành sấu dùng làm củi đun, người Hà Nội thời bao cấp thiếu thốn từng rất chuộng. Những ngày bão về, lá sấu rụng như mưa trên phố, trẻ con hò nhau mang bao tải ra gom lá trước khi mưa ập đến, bếp những nhà ở phố có trồng sấu luôn chất vài bao tải lá như thế.

Sau cơn mưa, cho đến tận bây giờ, vẫn luôn có những ông bà cụ nhẩn nha đi dọc vỉa hè, nhặt những quả sấu rụng xuống rãnh, chỉ một phố là lưng rổ.

Sấu là giống lâu niên trường thọ, cành khô thì gãy, chứ thân cây cực khỏe bền. Chẳng ngoa mà nói rằng, mỗi cây sấu là một di sản xanh quý giá. Hà Nội có khoảng 50 loại cây trồng trên các tuyến phố, thì sấu là một trong 10 loại cây được ghi tên đánh số đến từng cây để quản lý. Tuổi nhiều cây sấu đã hơn tuổi của bất kỳ bậc lão niên nào còn sống ở thành phố này. Giá cây có thể kể chuyện, hẳn con người sẽ nghe được bao điều.

Cây sấu lớn chậm và bộ rễ lớn nên nay đã không còn là lựa chọn tối ưu để phủ xanh cho nội ô Hà Nội. Những hàng xà cừ đã bị dời đi, thay bằng bàng Đài Loan, lộc vừng, thậm chí là phong lá đỏ (ở phố Kim Mã, rủi thay nay đã không trụ nổi, phải thay). Liệu sấu rồi cũng sẽ chung số phận, và nếu thế thì bao giờ?

Nhưng ở các đô thị mới mở ở vùng ven, quy hoạch không gian sáng sủa từ đầu, thì cây sấu vẫn là một trong những lựa chọn tốt nhất. Ở những Nam - Bắc Từ Liêm; Gia Lâm; Long Biên; Đông Anh... sấu đã đủ thời gian làm tầng làm tán, tỏa bóng mát và cho quả rồi.

Anh xe ôm quen của tôi, mùa hè đang chuyển nhịp sinh học sang vòng lăn của sấu.

Sáng, đưa trẻ con đi học và người già đi chợ.

Ra vỉa hè bán sấu.

Chiều đón trẻ con đi học về, rồi đi hái sấu để hôm sau có cái bán. Bớt tất bật hơn, thu nhập cũng khá hơn. Quả sấu cứ thế lăn, dài như đời người, dài hơn đời người.■

Nếu quả sấu biết kể chuyện đời mình... - Ảnh 5.

Nắng dệt sợi óng vàng, xuyên qua tán những cành sấu cổ thụ, trùm lên tường ngôi biệt thự cổ trên phố Trương Hán Siêu. Ảnh: Trọng Chính

Cây sấu nhỏ trước nhà Văn Cao

(Thơ: Nguyễn Trọng Tạo)

Cây sấu xanh xuân nào không nhớ nữa

ngày hạ sang hoa trắng rắc đầy thềm

lá vàng thu lá bay qua ô cửa

có một người nhìn cây sấu lặng im

Chua và thơm và cay cay rượu gạo

sấu thay xanh người ấy trắng mái đầu

những bài ca bay ra ngoài tuổi tác

thơ không vần tươi thắm mãi từng câu

Những bức tranh vương sắc màu cây lá

trẻ con leo cột mỡ đón xuân về

chợ họp đông quây dưới tầng bóng nhỏ

người ấy nhìn như tỉnh lại như mê

Bỗng cây sấu gãy ngang mùa bão lớn

nỗi đau cây lây sang nỗi đau người

Giờ trở lại cây người xa vắng cả

một khung trời trống trải chiếm hồn tôi!...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận