Theo ông Minh, giờ đây chỉ có thể tạo “cơn mưa vàng” ở SEA Games - Ảnh: NAM KHÁNH
Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: "Đánh giá về nguyên do Ánh Viên sa sút như hiện nay, thứ nhất phải dựa trên quá trình tuyển chọn, đào tạo VĐV. Vấn đề này đã được khẳng định là quy luật dành cho tất cả những trẻ em tham gia tập luyện và thi đấu thể thao trên toàn thế giới.
Theo đó, thời gian cần thiết từ lúc một VĐV được tuyển chọn đến khi được đào tạo chuyên môn hóa, nâng cao tài năng thường kéo dài từ 8-10 năm.
Có những môn sẽ phải đào tạo 12-14 năm và một số môn lâu hơn có thể đến 20 năm mới lên được đỉnh cao. Với các VĐV bơi lội trên thế giới, tài năng phải được phát hiện sớm từ lúc 5-6 tuổi để tiến hành đào tạo. Sau 10-12 năm tập luyện, thành tích của VĐV bơi lội có thể đạt kiện tướng quốc tế, thêm 2-3 năm nữa để có thể vô địch châu lục.
Trong khi đó, 13 tuổi Ánh Viên mới được chuyên môn hóa tập luyện thể thao và vì thế cô mất đi một khoảng thời gian 7-8 năm so với các VĐV khác trên thế giới. 7-8 năm này là giai đoạn cơ sở nền tảng để phát triển thành tích của VĐV lên đỉnh cao.
Nhưng vì Ánh Viên được phát hiện và đào tạo muộn nên cô chưa được chuẩn bị chức năng cơ thể (trong môn bơi thì lồng ngực phải thế nào, tim, phổi ra sao, sức chịu đựng của tâm lý VĐV...) tốt nhất để có thể tiến xa ở châu lục và thế giới.
Khi Ánh Viên có thành tích, cùng với sự "thổi lên" của truyền thông, sự kỳ vọng của người hâm mộ, mục tiêu mà nhà quản lý đưa ra với cô càng cao đó là Asiad, Olympic. Nhưng cô chưa được chuẩn bị chức năng cơ thể cho đỉnh cao mà mọi người mong đợi. Và ở độ tuổi 23-25, VĐV bơi lội không còn nằm trong vùng để phát triển thành tích đỉnh cao.
Vấn đề thứ hai tác động đến việc Ánh Viên không thể vươn lên giành HCV Asiad hay huy chương Olympic là do trong suốt quá trình đào tạo cô không được đảm bảo các điều kiện cần thiết như: phương tiện tập luyện (hồ bơi, phòng tập), phương tiện chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, HLV có trình độ cao, ứng dụng về khoa học kỹ thuật trong huấn luyện...".
* Ánh Viên phải tập luyện một mình trong suốt thời gian dài là không đảm bảo điều kiện đúng không, thưa ông?
- Đúng. Việc thiếu kinh phí khiến Ánh Viên chỉ có thể sang Mỹ một mình, không được tập luyện cùng đồng đội để thúc đẩy, ganh đua lẫn nhau là không đảm bảo. Sang Mỹ tập huấn là điều tốt với Ánh Viên bởi ở Mỹ có những điều kiện mà VN không có. Nhưng quá trình đi tập huấn nước ngoài dài đằng đẵng cũng xuất hiện những điều bất lợi.
Chẳng hạn, việc đi tập huấn quá dài khiến trạng thái tâm lý của VĐV nặng nề, không thể giải tỏa. Là một con người, Ánh Viên có những sở thích, có những mối quan hệ tình cảm với gia đình, các vấn đề tâm sinh lý...
Việc xa nhà quá lâu mà không có điểm dừng khiến VĐV rơi vào trạng thái tâm lý "trơ". Điều này khiến Ánh Viên không còn hứng thú, căng thẳng, chán nản với việc tập luyện khiến thành tích sa sút.
* Ngoài các yếu tố như ông nói, việc Ánh Viên cùng một lúc phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ từ quốc gia (cho đơn vị quân đội), đến giành thành tích ở SEA Games, Asiad, Olympic (cho ngành thể thao). Một VĐV được giao nhiều nhiệm vụ chắc chắn không thể thực hiện tốt được?
- Việc xác định mục tiêu nào là quan trọng nhất với thể thao VN trong số SEA Games, Asiad hay Olympic là trách nhiệm của những nhà quản lý thể thao.
Nếu họ xác định đầu tư những VĐV trẻ và giỏi nhất cho đấu trường Asiad và Olympic, mọi chuyện giờ đã khác. Theo tôi, trong bối cảnh SEA Games quá nhiều bất cập như hiện nay, nếu chúng ta vẫn coi SEA Games là mục tiêu quan trọng phải chiến thắng thì các mục tiêu khác không thể thực hiện được.
Nếu ngành thể thao không xác định rõ mục tiêu, không chỉ Ánh Viên, nhiều VĐV tài năng khác của thể thao VN cũng sẽ rơi vào cảnh này.
Ánh Viên không thể giành 20 HCV giải quốc gia, 8 HCV SEA Games và lại giành được cả HCV Asiad. Với việc bị phân tán làm quá nhiều nhiệm vụ một lúc, tôi khẳng định Ánh Viên chỉ có thể tạo "cơn mưa vàng" ở SEA Games chứ khó có thể nâng cao thành tích được nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận