13/07/2022 21:05 GMT+7

Nếu mình là hành khách, đi TP.HCM - Cam Ranh 45 phút thành mấy tiếng, chịu được không?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - “Cứ thử đặt mình ở vị trí hành khách, liệu có chấp nhận được không khi chỉ bay một chuyến ngắn từ TP.HCM đi Cam Ranh, thời gian bay chỉ 45 phút mà chậm tới vài tiếng đồng hồ. Phải thay đổi”.

Nếu mình là hành khách, đi TP.HCM - Cam Ranh 45 phút thành mấy tiếng, chịu được không? - Ảnh 1.

Nhà ga nội địa sân bay Nội Bài luôn đông đúc hành khách trong tháng 6 và đầu tháng 7-2022 khi lượng khách đi máy bay tăng cao hơn so với cùng kỳ 2019 khi chưa có dịch COVID-19 - Ảnh: NIA

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đặt vấn đề như vậy tại cuộc làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp hàng không ngày 13-7 bàn giải pháp giảm số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến.

Có cả chậm chuyến do tổ chức khai thác, lãng phí thời gian

Trước khi diễn ra buổi làm việc, Cục Hàng không lập nhiều đoàn kiểm tra tình hình chậm, hủy chuyến. Bản thân cục trưởng cũng thị sát Đài kiểm soát không lưu và Trung tâm điều phối khai thác Nội Bài để đánh giá thực trạng và nghe báo cáo giải pháp.

Theo ông Thắng, thị trường hàng không nội địa tăng vượt xa mọi dự báo khi khách đi máy bay nội địa trong tháng 6-2022 tăng tới 38% so với cùng kỳ 2019 (trước dịch COVID-19).

Nhưng cùng với sự tăng trưởng, hạ tầng hàng không vẫn còn hạn chế, thiếu nhân lực sau dịch COVID-19 khiến số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến tăng đáng kể, tập trung tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.

Ông Thắng cho biết nhanh nhất phải tới tháng 7-2024 mới có nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, cuối năm 2025 mới khai thác sân bay Long Thành. Nhưng ngành hàng không không thể chờ hạ tầng cải thiện để giảm chuyến bay bị chậm, hủy.

Qua kiểm tra, Cục Hàng không đánh giá còn rất nhiều việc phải làm đồng bộ, từ nhà ga, sân đỗ, cho đến điều hành chuyến bay… để giảm chậm, hủy chuyến. Điều quan trọng là phải có quyết tâm, tìm cách làm mới, áp dụng công nghệ mới để cải thiện tình hình, bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách.

Việc áp dụng khoảng cách tối thiểu giữa các máy bay là 5 dặm tại Nội Bài đang lãng phí tài nguyên; bất cập về sắp xếp vị trí đỗ máy bay, thời gian chiếm dụng đường băng… cần khắc phục để giảm chậm, hủy chuyến.

Qua khảo sát thực tế, ông Hồ Minh Tấn - phó cục trưởng Cục Hàng không - cho rằng tình hình chậm chuyến ở Tân Sơn Nhất trong tháng 6-2022 khá nghiêm trọng. Ngoài hạ tầng, có cả nguyên nhân do xếp chỗ máy bay chưa phù hợp khi máy bay của chuyến khởi hành trước lại đỗ xa đường băng hơn máy bay khởi hành sau. Cho nên có những chuyến bay mất 15 - 20 phút để lăn ra đường băng. Việc chưa có quy định về thời gian chiếm dụng đường băng cũng là một yếu tố có thể gây chậm chuyến. Các bất cập trên được giải quyết sẽ tối ưu được thời gian, năng lực khai thác.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quý Đôn - phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam - nhận định hiện nay có nhiều máy bay lăn trên đường băng mãi mới chạy đà. Nếu khống chế thời gian chiếm dụng đường băng để mỗi chuyến bay tiết kiệm vài giây thì lượt cất, hạ cánh cũng tăng đáng kể.

Giải thích rõ thêm, ông Bùi Thanh Hà - trưởng ban không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - dẫn chứng: máy bay loại lớn như Boeing 777-300 của Singapore hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, phi công thoát ly khỏi đường băng trong 60 giây nhưng nhiều phi công của các hãng Việt Nam cần đến gần 70 giây, nhiều phi công chưa có ý thức về việc tiết kiệm thời gian.

Nếu áp dụng triệt để giải pháp mà vẫn chậm thì cắt giảm chuyến bay

Theo ông Trịnh Hồng Quang - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, không hãng hàng không nào muốn chuyến bay của mình bị chậm, hủy chuyến để vừa thiệt hại vừa mất uy tín với khách. Tuy nhiên, thị trường đang tăng trở lại, vượt xa mọi dự báo nên các hãng cũng bị động trong lập kế hoạch bay.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhận định để đáp ứng được thị trường hàng không nội địa phục hồi, tăng trưởng nhanh chóng là cố gắng rất lớn của ngành, không phải nước nào cũng làm được. Khách đi máy bay tăng lên, hạ tầng vẫn hạn chế thì việc ùn tắc, chậm chuyến khó tránh khỏi.

"Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi yên chấp nhận. Cứ thử đặt mình ở vị trí hành khách, liệu có chấp nhận được không khi chỉ bay một chuyến ngắn từ TP.HCM đi Cam Ranh, thời gian bay chỉ 45 phút mà chậm tới vài tiếng đồng hồ. Phải xốc lại, phải thay đổi trên tinh thần làm tốt hơn, nâng cao năng lực, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nếu chúng ta áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, chuyến bay chậm, hủy vẫn nhiều thì cũng phải cắt giảm số chuyến bay. Ngay cả nước Anh cũng đang phải chấp nhận hủy cả trăm ngàn chuyến là vì vậy" - ông Thắng cho biết.

Để tăng năng lực khai thác, giảm chậm chuyến, ông Thắng chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chủ động phối hợp, bàn lại quy chế điều phối sân đỗ, linh hoạt theo giờ bay; tùy tình hình từng sân bay, để có quy định cụ thể thời gian chiếm dụng đường băng.

Với sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất phải đảm bảo thời gian chiếm dụng đường băng để cất cánh tối đa 30 giây, hạ cánh xuống tối đa 60 giây là máy bay phải thoát ly đường băng. Tổ bay nào không đáp ứng được sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này. Đồng thời nghiên cứu để sớm rút phân cách tối thiểu giữa các máy bay tại Nội Bài xuống còn 3 dặm như Tân Sơn Nhất.

Hơn 5.600 chuyến bay bị chậm trong 1 tháng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chấn chỉnh Hơn 5.600 chuyến bay bị chậm trong 1 tháng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chấn chỉnh

TTO - Với 5.602 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm chuyến, chiếm tỉ lệ 18,2% số chuyến bay thực hiện trong tháng 6, tăng 9% so với tháng 5-2022, Bộ Giao thông vận tải đã phát công văn yêu cầu chấn chỉnh.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên