Barca chịu thiệt hại nặng nề vì những quyết định sai lầm xoay quanh Messi - Ảnh: Getty Images
Nhiều CĐV chỉ trích các cầu thủ mà Messi được xem như người đại diện vì đã không hi sinh cho Barca. Nhưng điều đó có hợp lý?
Vô địch tiền lương
Với khoản nợ gần 500 triệu euro, nguy cơ Barca phá sản không phải là lời nói đùa. Vì vậy, việc thuyết phục các cầu thủ giảm lương gần như là cách duy nhất để cứu đội bóng. Vô số những bản hợp đồng phóng tay nhiều năm qua của Barca khiến quỹ lương của họ phình to đến 670 triệu euro/năm (trước thuế). Để thoát cảnh khủng hoảng, Barca cần phải cắt giảm bớt khoảng 200 triệu euro (30%) lương của cầu thủ trong khoảng một năm tới.
Đáng nói, Messi và các đồng đội đã chấp nhận giảm đến 70% lương trong giai đoạn giữa năm 2020 - thời điểm đại dịch bùng phát ở châu Âu khiến bóng đá đỉnh cao phải đình trệ. Nhưng lần này, hầu hết các cầu thủ đều không đồng ý phải chịu thiệt thêm.
Messi là người phải đứng mũi chịu sào vì anh lãnh mức lương trước thuế đến hơn 70 triệu euro/năm, chiếm hơn 10% cả đội bóng. Cũng như đợt giảm lương hồi đầu năm, mọi chuyện chỉ êm thắm khi Messi lên tiếng. Ban lãnh đạo và CĐV Barca chờ đợi Messi tiếp tục hi sinh để làm lá cờ đầu cho các đồng đội. Nhưng đó là chuyện phi lý khi chính ban lãnh đạo Barca đã nỗ lực giữ chân Messi hồi mùa hè, dù anh đã muốn ra đi.
Messi có lỗi gì trong hành trình khủng hoảng của Barca? Nhiều người mỉa mai anh là "chủ tịch Messi", sau khi Josep Bartomeu bị tống khứ khỏi Nou Camp. Nhưng hãy đặt ra một giả thiết vui: nếu Messi thực sự là "chủ tịch", Barca sẽ chi tiêu thế nào?
Messi sẽ làm tốt hơn
Barca thu về 222 triệu euro từ việc bán Neymar, nhưng đã chi ra đến 293 triệu euro để mua về những cầu thủ thay thế anh là Coutinho, Dembele và Brathwaite. Tổng lương của cả ba cầu thủ này bằng với Neymar, nhưng độ đóng góp, cộng cả ba lại vẫn còn kém xa. Tính sơ sơ, Barca đã lỗ 71 triệu euro trong vụ này.
Kế đến, "chủ tịch" Messi chắc chắn cũng không mua về Griezmann - người có giá 120 triệu euro và hưởng mức lương 46 triệu euro trước thuế. Đổi lại, Messi có thể sẽ mua về Lautaro Martinez, người chơi rất ăn ý với anh trên tuyển Argentina.
Hè 2018, trước khi Barca mua Griezmann một năm, Inter chỉ phải bỏ ra 25 triệu euro để mua tiền đạo Lautaro Martinez và mức lương anh đang hưởng ở Inter vào khoảng 7 triệu euro. Như vậy, "chủ tịch" Messi sẽ tiết kiệm được thêm cho Barca khoảng 134 triệu euro. Và Messi cũng không bao giờ bán đi người bạn thân Luis Suarez. Khốn nỗi, ban lãnh đạo Barca cũng chẳng kiếm được đồng nào từ việc bán Suarez. Theo đó, họ chỉ tiết kiệm được khoảng 30 triệu euro tiền lương của anh.
Và trên hết, nếu Messi có quyền quyết định, anh có thể đã ra đi ngay trong mùa hè rồi. Cứ cho rằng Barca sẽ dùng khoản tiền thu được từ việc bán Messi để mua về một ngôi sao lớn thay thế như Sadio Mane hoặc Mohamed Salah thì họ vẫn tiết kiệm được ít nhất khoản tiền lương 70 triệu euro của anh (cả Mane hoặc Salah đều lãnh lương thấp hơn nhiều so với Messi). Kế đó là khoản phí trung thành 33 triệu euro (một phần trong điều khoản hợp đồng mà Messi ký từ năm 2017 nếu anh hoàn tất hợp đồng). Khi đó, Barca có thể tiết kiệm thêm khoảng 70 triệu euro.
Dù đó chỉ là một giả thiết vui nhưng nếu chỉ xét một vài yếu tố về phí chuyển nhượng và lương bổng, Messi có thể tiết kiệm được khoảng 275 triệu euro cho Barca nếu anh thực sự nắm quyền.
Đã quá muộn cho Barca
Hồi mùa hè, Transfermarkt còn định giá Messi vào khoảng 140 triệu euro, nhưng đến nay con số này đã giảm còn 100 triệu euro, và hứa hẹn sẽ tiếp tục giảm khi bước vào kỳ chuyển nhượng mùa đông. Dù lãnh đạo Barca có quyết đoán bán Messi trong mùa đông này, họ cũng chịu thiệt cả trăm triệu euro so với việc bán anh từ mùa hè.
Về khoản phí trung thành, con số thực sự lên đến 66 triệu euro, nhưng Messi đã nhận một nửa số tiền này vào tháng 2, và sẽ lãnh nốt phần còn lại nếu hoàn tất hợp đồng vào mùa hè tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận