Tại tọa đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2-3 ở Hà Nội, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh cần đánh giá lại vai trò của văn hóa nghệ thuật đối với sự phát triển của đất nước.
Ông Lâm cho rằng nền văn học nghệ thuật nước nhà đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách và thực tế này đặt ra bốn yêu cầu đối với quản lý văn hóa hiện nay.
Một là phải nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ chỉ đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, về vị trí, vai trò của lĩnh vực văn học nghệ thuật này đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Sự thay đổi nhận thức này phải từ ngay các cơ quan chỉ đạo văn hóa văn nghệ như Ban Tuyên giáo Trung ương, các cấp ủy chính quyền ở các địa phương. Từ thay đổi nhận thức mới chuyển sang hành động.
Về câu chuyện nhận thức về vai trò của văn học nghệ thuật, ông Lâm nêu ví dụ phim Nhà bà Nữ đóng góp lớn cho ngân sách khi nộp thuế gần 100 tỉ đồng:
"Cả nhà tôi đã đi xem bộ phim này hồi Tết. Xem xong phim tôi thấy có nhiều suy nghĩ trong quan hệ, cuộc sống gia đình. Thật mừng là phim Việt sống được ngay trong lòng người Việt, ngay trong nhà người Việt, trong các rạp phim, thu được gần 500 tỉ, nộp vào ngân sách gần 100 tỉ, một sự đóng góp quý báu".
Cũng chuyện nhận thức về vai trò của văn hóa chưa đầy đủ, ông Lâm dẫn ra ví dụ thời gian qua nhiều nơi sẵn sàng cắt giảm nhân sự, sắp xếp lại bộ máy trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ một cách cơ học, vô cùng lạnh lùng, vô cảm.
Mục đích là để tinh gọn bộ máy nhưng cuối cùng mất hết. Trong cắt giảm chi tiêu ngân sách thì cắt giảm chi tiêu cho văn hóa, giáo dục nhiều. Trong khi nếu làm tốt thì văn hóa mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Ông ví dụ ban nhạc BTS của Hàn Quốc "đóng thuế không biết bao nhiêu" cho nhà nước.
Việc cần làm thứ ba, theo ông Lâm, là phải phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật, tập trung cải thiện môi trường sáng tạo, làm nghề cho văn nghệ sĩ để có lực lượng kế cận. Cuối cùng là phải quan tâm đến nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng trẻ.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Trần Thanh Lâm khẳng định thực tiễn lịch sử 80 năm qua đã chứng minh Đề cương về văn hóa Việt Nam là nền tảng lý luận của Đảng về văn hóa, "là kim chỉ nam cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận