Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 10-8, ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã phê duyệt phương án khắc phục năm chiếc tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.
Theo đó, nếu thép không đạt mác A thì phải tháo ra, thay bằng thép Hàn Quốc đạt mác A.
Ông Châu cho biết nếu Công ty Đại Nguyên Dương đề nghị xem xét để lại những chiếc tàu vỏ thép không đạt chuẩn mác A này thì phải trình biện pháp kỹ thuật phù hợp, được Bộ NN&PTNT đồng ý thì tỉnh mới chấp thuận.
"Nếu họ không chấp hành, chỉ đòi bắn cát, phun sơn lại thì không thể được, vì thép không đạt chuẩn để đi biển, chỉ vài năm sau thì chất lượng tàu giảm nhanh, tàu thủng, không hoạt động được. Nếu không thực hiện nghiêm túc yêu cầu khắc phục thì Công ty Đại Nguyên Dương phải nhận những con tàu không đảm bảo chất lượng này lại và tự xử lý, đền cho ngư dân những con tàu đúng chất lượng như hợp đồng” - ông Châu quyết liệt.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng nói rằng việc 15 con tàu của Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu đóng và năm tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng gây thiệt hại lớn cho Bình Định.
Cụ thể là các chủ tàu có tàu hỏng không đi đánh bắt được, còn ngân hàng ráo riết đòi nợ.
“Các cơ sở đóng tàu làm dối gây ra vụ việc này đã tác động đến nhiều ngư dân khác. Họ lo ngại không dám đóng tàu vỏ thép mới, còn ngân hàng cũng chùn bước trong cho vay vốn để đóng tàu theo nghị định 67”, ông Châu nói.
Trong diễn biến liên quan, ngày 10-8, ông Bùi Hữu Hùng - phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) - cho biết đã sửa chữa xong chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trong số 15 tàu hư hỏng mà công ty này cam kết sửa chữa, khắc phục cho ngư dân.
Cụ thể, đó là tàu BĐ 99678 TS của ông Nguyễn Ảnh ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và dự kiến đến ngày 13-8, chiếc tàu này sẽ được hạ thủy.
Theo kế hoạch, 15 tàu vỏ thép hư hỏng của ngư dân Bình Định sẽ được Công ty Nam Triệu sửa chữa xong trong tháng 8-2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận