Bánh tét tặng bà con ở Q.8, TP.HCM - Ảnh: N.LƯU
Những người khó khăn nhất là những người làm nghề tự do, làm ngày nào ăn ngày đó.
Dự án "Mỗi ngày một quả trứng" tập trung giúp đỡ người nghèo khó ở khu vực phía Bắc, nhất là ở Hà Nội. Còn tại TP.HCM, các nhà hảo tâm nhờ chuỗi quán cơm Nụ Cười nấu cơm phát cho người cần.
Chủ tịch phường 14, quận Bình Thạnh đã cắt cử dân quân hướng dẫn người dân đứng giãn cách 2 mét khi nhận cơm. Và sau đó, tránh tụ tập đông người, những món quà chia sẻ được hỗ trợ tận nơi cho các hộ nghèo, neo đơn.
Nhiều cá nhân kêu gọi bạn bè đóng góp rồi tự tay nấu cơm cho những hàng xóm đặc biệt. Có người còn ghi cái bảng nho nhỏ trước cửa nhà, rằng gia đình sẽ hỗ trợ một suất cơm/bữa cho bất cứ ai trong vòng 14 ngày cách ly xã hội.
Không khó để thấy đâu đó, có thể ở quận 8, TP.HCM hay cạnh khu công nghiệp ở Bình Dương một tiệm tạp hóa ghi bảng: "Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác".
Nhiều chị đầu đội nón lá đã rách, khẩu trang vải bạc màu đứng ngần ngừ mãi trước quầy hàng có gạo, mì ăn liền, trứng... bởi chị e rằng có ai đó còn khốn khó hơn mình. Phải đến khi mọi người nhận ra sự lưỡng lự của chị, được động viên chị mới mạnh dạn cầm về một phần quà mà chỉ đủ cho gia đình nhỏ của mình đắp đổi qua hai ba ngày.
Ở TP.HCM, nhiều nơi người có tấm lòng góp gạo, thực phẩm đóng gói, nước rửa tay, khẩu trang… để sẵn ở một chỗ, ai cần cứ đến lấy. Trong lúc gian khó, cách ly xã hội khiến con người gần nhau hơn, chia sẻ cho nhau nhiều hơn.
Mới đây, "Cái thùng tốt bụng" - một hình thức chia sẻ ở phạm vi nhỏ hơn, trong xóm, ngõ nhỏ, kể cả khu chung cư dành cho những người khó khăn nhất, ở nơi gần mình nhất. Chỉ với một chiếc thùng bằng mọi chất liệu, người có lòng cứ thế góp chút sức, sẻ chia ít lương thực nhà có sẵn hoặc mua thêm cho người khác mà chẳng cần hội ý, không cần chờ đợi hay trông cậy vào hội nhóm nào.
Ai có lòng, biết đến cứ lặng lẽ góp thêm. Người nhận không cần gặp người trao nên vẫn tuân thủ đúng hướng dẫn cách ly, không thu hút tụ tập đông người. Tính đến nay, mới chỉ có một tuần, sáng kiến này đã nhân rộng ở nhiều quận huyện tại TP.HCM, tỉnh Bến Tre, Huế, Quy Nhơn…
Cách làm này thuận tiện cho người cần giúp đỡ mà chẳng phải lặn lội xa xôi đến nơi phát cơm, cũng giúp chia bớt gánh nặng và rủi ro sức khỏe cho cả người nhận quà và những tình nguyện viên trao quà từ thiện.
Mỗi người một kiểu sáng tạo, nhiều người chung tay dìu nhau đi qua những gian khó trong mùa đại dịch. Những chia sẻ ấm áp ân tình này như những gam màu tươi sáng tô thêm bức tranh đẹp về tương thân tương ái, về câu chuyện Việt Nam không để ai tụt lại phía sau giữa những khó khăn trước mắt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận